Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Giải phẫu cơ thể học (anatomy) trong yoga quan trọng hay không?




Giải phẫu cơ thể học (anatomy) trong yoga quan trọng hay không? Nên áp dụng định tuyến vào asana hay không? 

Với 10 năm tập luyện và gần 5 năm dạy yoga thì mình khẳng định điều đó cực kỳ quan trọng. Mình với một cơ thể khá dẻo đến với yoga với niềm đam mê và một thời gian dài chinh phục những thế yoga khó là mục đích tập luyện của mình😬(tạ ơn trời con chưa bị chấn thương). 

Có thể bạn quan tâm:
Thời gian tiếp xúc với yoga dài và nhìn thấy nhiều người bị chấn thương (học viên yoga và cả giáo viên) thì mình bắt đầu đi chậm lại. Nhìn lại cả chặng đường mình tập với nhiều trường phái yoga khác nhau, nhiều giáo viên Việt có, Ấn Độ có, Tây cũng có...mình thật sự muốn hiểu rõ hơn cách tập yoga thế nào cho an toàn, tìm hiểu về anatomy và định tuyến (nhưng thật sự chưa thông hiểu rõ). 

May mắn thay mình đã tìm được khóa học yogaworks của Mỹ do thầy David Kim dạy. Một khóa học theo mình là rất đắt nhưng xứng đáng với đồng tiền và thời gian mình bỏ ra để học vì thật sự hay và bổ ích. Khóa này học rất kỹ về cơ thể học. Học để hiểu chúng ta sinh ra với cấu trúc xương khớp khác nhau, độ dãn dẻo cũng khác nhau thì làm sao chúng ta cố làm các động tác, chân tay để giống nhau, hoặc giống giáo viên yoga (người có thời gian tập lâu hoặc có hệ xương khớp tốt)? 

Mình ngơ ngác với các khái niệm khớp bản lề, khớp chỏm, khớp cầu lồi; rồi các mặt phẳng ngang, dọc, trước, rồi thêm bao nhiêu là tên các nhóm cơ khi làm 1 tư thế mới hiểu ra sao mà khó thế, mới hiểu ra mình đã từng tập nguy hiểm thế nào khi để cơ thể mình chọn lựa hướng đi dễ, tận dụng những ưu điểm dẻo của cơ thể để vào tư thế và vô tình đặt mình vào nguy cơ chấn thương. 

Chấn thương trong yoga nhiều khi mình thấy ngay, nhưng nhiều khi nó là sự tích lũy dần theo năm tháng tập luyện sai, đó là lý do tại sao nhiều người càng tập càng đau lưng, đau vai cổ, đau đầu gối, cổ tay vì sự không hiểu về hệ xương khớp của mình, và về định tuyến trong yoga. 

Mình phải phân biệt rõ giữa cái đau ê ẩm của cơ khi tập luyện (thường là vài ngày) và cái đau nhói, đau buốt của sự chấn thương dây chằng, gân, khớp (kéo dài vài tuần vài tháng). Đặc biệt các bạn bị loãng xương, huyết áp, tim mạch thì nên tránh xa các tư thế khó, tư thế nâng cao. 

Và khi hiểu về cấu trúc xương khớp thì chúng ta thật sự thoải mái và tỉnh thức trong cách tập luyện. Định tuyến là sự thẳng hàng tự nhiên của xương khớp mà khi luyện tập lực được chia đều vào các nhóm cơ vững vàng để tránh chấn thương. 

Khi học về cơ thể học thì chúng ta cũng tránh được sự so sánh mình với người khác khi thấy sao họ dẻo thế, sao họ khỏe thế khi làm được nhiều tư thế khó, chúng ta sẽ hiểu rằng do cầu trúc xương của họ là vậy và có khi cả đời mình cố bẻ thì cũng không thể mở ra để làm giống họ được. 

Độ dẻo và độ khỏe sẽ được cải thiện theo thời gian tập luyện nhưng để giống được người với hệ xương khớp dẻo và chắc khỏe tự nhiên là rất khó. Mình sẽ yêu thương cơ thể mình, sẽ chấp nhận sự khác biệt của cơ thể mình như chúng ta chấp nhận màu da màu mắt khác nhau. 

Nhìn những tấm hình yoga đẹp mình ngưỡng mộ nhưng sẽ không bắt ép cơ thể đau đớn để làm được điều đó. Asana nên vững vàng và thoải mái, nếu chúng ta không tỉnh thức trong tập luyện thì chúng ta đang đẩy mình đến nguy cơ chấn thương. 

Chúng ta không nên đến lớp tập vì giáo viên này đẹp, giáo viên kia làm toàn tư thế khó. Chúng ta nên tìm hiểu và tập với giáo viên tận tâm và có kiến thức yoga tốt và điều quan trọng là cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà người giáo viên đó truyền cho mình. 

Yoga không phải là một tôn giáo; yoga không phải là asana với đứng đầu, đứng tay, bồ câu, con công... Yoga với lịch sử hơn 5000 năm là cả một hành trình rèn luyện tâm trí, giúp chúng ta tinh thần và thể chất tốt, giúp chúng ta thoát khỏi những dính chấp của mọi lo buồn, đau khổ thì một cuộc đua về các tư thế có đáng không? 

Thầy tôi luôn nói đúng sai trong yoga rất khó phân biệt, chỉ là mình hiểu được cơ thể mình được gì và mất gì khi vào tư thế để tập luyện theo sức mình. Mong sao các giáo viên đừng vì cái tôi của mình, đem cơ thể của mình để dạy cho học viên mà hãy hiểu cơ thể học viên cần gì, thiếu gì và giúp họ tiến bộ theo khả năng của họ. Khả năng của chúng ta là có hạn, tôi đã thức tỉnh mong bạn cũng thức tỉnh. 

Kiên trì tập luyện và đừng cố ép mình trong đau đớn là phương pháp yoga của tôi bây giờ. Đến bây giờ tôi nhận thấy hành trình kiến thức yoga còn dài lắm, và khóa học vừa rồi không phải là khóa cuối tôi học mà sẽ còn phải học nhiều nữa, không phải tôi mong là người giỏi nhất mà vì tôi trân trọng từng cơ thể của học viên tin tưởng đến với mình. 

Tôi yêu thương cơ thể tôi và cơ thể bạn, xin bạn cũng yêu thương cơ thể mình. Tập an toàn các bạn nhé😊.
---
Chép lại từ FB Uyen Quynh Pham

2 nhận xét:

  1. bài viết này hay quá bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Hôm nay mình vừa mới học xong bài Giải phẫu Yoga. Thực sự thấy kiến thức của bản thân như hạt cát giữa sa mạc vậy. Còn rất rất nhiều điều mình còn phải học hỏi, còn rất nhiều lỗi mà mình cần sửa sai. Thật tình cờ, đọc được lời tâm sự chân thành của bạn giúp mình có niềm tin hơn vào phương pháp dạy yoga chuyên sâu. Đó là, người giáo viên không phải để biểu diễn mà để giúp học viên cảm nhận được cơ thể của họ.
    Mong rằng nhờ việc kiên trì luyện tập và luyện tập đúng phương pháp thì có thể giúp bản thân khám phá chính mình, cân bằng cuộc sống rồi sau đó có thể giúp đỡ nguoi việt chúng ta được học yoga đúng cách

    Trả lờiXóa