Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Tỷ lệ cơ thể ảnh hưởng như thế nào đối với thực hành Yoga?

Proportion – Tỷ lệ cơ thể ảnh hưởng như thế nào đối với thực hành Yoga?

(Bài này là kiến thức khá mới với nhiều bạn, chịu khó nhìn hình mới hình dung được nhé)

Tìm hiểu về giới hạn của cơ thể, nhất là đối với những bạn thực hành Yoga lâu năm là hết sức cần thiết, để bạn biết đâu là điểm dừng, có những điều không thể thay đổi được. Bài viết lần trước mình có nhắc compress bone (nén xương), lần này mình nói đến proportion (tỷ lệ cơ thể) trong Yoga.

Có thể bạn quan tâm:

Đây là một khái niệm mới đối với nhiều bạn. Một trong những kinh nghiệm “khó hiểu” trong yoga cho rằng bất kỳ một asana nào đều có thể đạt được với sự nỗ lực của bản thân trong một thời gian đủ dài. Tuy nhiên, có những asana rất đơn giản bạn không thể vào thế chuẩn định tuyến, bạn cảm giác tự trách bản thân, dường như nỗ lực không được đền đáp?

Sự thật là, trong rất nhiều trường hợp, tỷ lệ cơ thể bẩm sinh không thể giúp bạn hoàn hảo, trừ khi bạn đi kéo xương nhé, ke ke. Có nhiều tỷ lệ, nhưng mình nhắc đến 3 tỷ lệ chính, vì nó ảnh hưởng khá nhiều đến một số asana. Bài viết này bạn nên tập trung nhìn hình kèm theo.

1. Xương đùi (từ đầu gối đến hông) với thân (phần cột sống) (Hình 1: Femur to torso)

Giả định 2 người trong hình đều thực hành yoga lâu năm và có khả năng vặn xoắn như nhau (twist).
Cô gái trong hình có chiều dài thân với xương đùi dài hơn so với người đàn ông này. Trong lớp Yoga bạn thường được hướng dẫn đặt tay phải bên cạnh chân trái. Cô gái dù có cố gắng đến mức nào cũng không thể giữ được 2 tay thẳng như người đàn ông này.

Vậy thay vì bạn đặt tay cạnh bàn chân, bạn hãy đặt tay lui về phía trước sao cho cánh tay vuông góc với sàn sau đó vặn người, bạn sẽ dễ dàng đạt được 1 góc 180 độ giữa 2 cánh tay. Tư thế sẽ đẹp hơn rất nhiều, cột sống được kéo dài trong tư thế vặn xoắn, thay vì phải còng lưng ép khuỷu tay vào gối để đặt tay xuống sàn.

Trong lớp học mình thấy khá nhiều gv cứng nhắc, cố gắng hướng dẫn học viên đặt tay cạnh chân và giữ được 2 cánh tay trên 1 đường thẳng, điều này là không thể đối với nhiều người. Hướng dẫn học viên sao cho họ vào thế đúng định tuyến và phù hợp với cơ thể từng người.

2. Cánh tay (từ bàn tay đến vai) so với thân (phần cột sống) (Hình 2 hand to torso)

Giả định 2 người trong hình đều có sức khỏe như nhau, cơ bụng như nhau. Nhưng người đàn ông với cánh tay dài dễ dàng để nâng toàn bộ cơ thể lên khỏi mặt đất, trong khi người áo trắng không thể nâng cơ thể lên được từ vị trí này. Hình mình chụp được từ video, người đàn ông áo trắng cần đặt 2 viên gạch dưới bàn tay mới nâng được cơ thể lên.

Đối với những trường hợp press handstand (tư thế đứng bằng tay lên bằng cách nhấn hai bàn tay xuống sàn và lên bằng cơ bụng), người tay dài rất lợi thế. Nếu bạn để ý diễn viên xiếc, họ thường tập handstand trên 1 dụng cụ ở độ cao hơn so với mặt đất. Có nhiều cách để lên handstand, có thể là jump handstand (nhảy 1 chân co, chân duỗi), dump handstand, hop handstand (nhảy kiểu co 2 chân 1 lúc), press handstand (chân duỗi, nhấn tay xuống sàn nghiêng người về trước và lên bằng cơ bụng). Bạn cứ lên bằng cách nào thấy phù hợp nhất, quan trọng là giữ thăng bằng, he he.

Vậy những người có tỷ lệ cơ thể như người đàn ông áo trắng trong hình, không phải cố nâng người lên bằng cách này. Không lên được không có nghĩa người đàn ông này yếu, mà tỷ lệ cơ thể không cho phép.

3. Phần trên của cánh tay (khuỷu tay đến vai) so với đầu (Hình 3 upper arm to head).

Nhìn vào hình 3, khi đưa cánh tay lên có người khuỷu tay vượt qua đỉnh đầu, có người chưa đến đỉnh đầu. Yếu tố này quyết định rất lớn đến tư thế trồng chuối (headstand).

Theo hướng dẫn trồng chuối, đỉnh đầu phải đặt xuống sàn giữa sự chống đỡ của tay. Tuy nhiên bạn để ý có rất nhiều người đặt phần trên của trán xuống sàn (chứ không phải phần đỉnh đầu), vì phần trên cánh tay của họ ngắn hơn so với độ dài từ vai tới đỉnh đầu. Vậy gv không thể nói là họ sai, và đừng ép họ đặt đỉnh đầu xuống sàn.

Họ chỉ sai khi cảm nhận cơ thể chưa đúng, không biết siết cơ bụng, tay chống chưa đủ khỏe, khi đó lực bị dồn hết xuống đốt sống cổ là nguy hiểm. Nhiều bạn thực hành lâu năm, thăng bằng tốt, vai khỏe họ có thể làm chuối biến thể, nghiêng hẳn phần cột sống về phía sau để uốn lưng và từ từ ngóc đầu lên vào bọ cạp.

p/s Hiện nay, tài liệu Yoga tiếng việt rất hiếm, nhất là những kiến thức về giải phẫu (anatomy) hay định tuyến (alignment) gần như không có. Nhiều gv thu được kiến thức ở workshop và trải nghiệm bản thân đôi khi lồng ghép quan điểm của người truyền đạt. Cũng khó có thể nói đúng hay sai, những bài viết của mình cũng dựa trên ý hiểu từ những kiến thức mình đọc được (không phải học, he he) thuật ngữ chuyên ngành dịch sang tiếng việt có thể chưa được chuẩn xác, hoặc kiến thức không thuộc cuốn sách nào cả, mình để nguyên phần tiếng anh để bạn nào có hứng thú tìm hiểu thêm. 

Các bạn cũng có thể tải về miễn phí một số đầu sách rất hữu ích ở đây: Tổng hợp các ebook sách Yoga chủ đề giải phẫu học

Nhưng ít nhất trong hiện tại mình nhận thấy những kiến thức này hữu ích cho bản thân, giúp mình định hình, tự tin hơn trong cách tập luyện (biết rõ khả năng của mình, biết khi nào không thể cố hơn được nữa, 😂😂😂).

Những thuật ngữ về tension (kéo giãn) compression (nén), proportion (tỷ lệ) là 3 nội dung chính trong bộ video bài giảng của Paul Grilley. Paul Grilley là gv mình rất thích, ông là người sáng tạo ra trường phái Yin Yoga hiện nay khá được ưa chuộng, nhất là đối với những người thực hành Yoga một thời gian trước đó.

Yin Yoga rất khác biệt so với các trường phái Yoga hiện đại khác, mình thực sự bị thuyết phục khi tìm hiểu về Yin, sẽ viết về Yin vào dịp khác.

Hình 4: ảnh ông Iengar, huyền thoại yoga thế kỷ 20, minh họa tỷ lệ cánh tay so với thân, tay ông dài gần chạm gối luôn, hơi hiếm nhá!
---
Chép từ FB Meo Con