Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Giải mã “cơn đau” trong luyện tập yoga

Giải mã “cơn đau” trong luyện tập yoga

Sau mỗi giờ luyện tập, những cơn đau, nhức mỏi thường xuyên xuất hiện. Nếu đã từng luyện tập bất cứ môn thể thao nào, đó là điều không tránh khỏi.

Đau có thể là tốt hoặc xấu. Vậy làm sao để phân biệt được đâu là cơn đau có lợi cho cơ thể? Đâu là giới hạn cho sự quá mức?

Để tăng sức mạnh cho hệ thống cơ, chúng ta phải đặt những cơ này vào áp lực nhiều hơn chúng từng trải nghiệm, áp lực này thường được gọi tên là quá trình đốt cháy cơ. Sau quá trình này cùng với việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cơ chế bảo vệ cơ thể được kích hoạt làm tăng kích thước hoặc số lượng các sợi cơ, dẫn đến việc phát triển cơ (khỏe hơn, lớn hơn).

Vậy thế nào là cơn đau “XẤU”???

Hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng, mạc, sụn là những cấu trúc sống phản ứng với việc chịu áp lực một cách từ từ. Việc tạo áp lực quá lớn và đột ngột lên chúng có thể gây ra các cơn đau mãn tính và các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Mệt mỏi sau một buổi tập đầy chất lượng, có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang đẩy xa hơn giới hạn sinh học của bản thân. Những áp lực này có thể khiến bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng chứ không hề vắt kiệt sức lực. Mệt mỏi kéo dài nhiều ngày đồng nghĩa với việc cơ thể vật lý đã bị thách thức quá mức, và điều này có nghĩa cơ bắp và kho dự trữ năng lượng không được bổ sung một cách hiệu quả.

Nếu sau khi nghỉ ngơi thích hợp, cơn đau vẫn tiếp tục, đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề y tế khác và nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

ĐAU DO TẬP YOGA?

Điều đầu tiên thường được nhắc đến khi hỏi về Yoga là “bạn có dẻo không?”. Nhưng dẻo hay nói cách khác là vùng hoạt động quanh các khớp lớn (ROM), có thể là nguyên nhân chính dẫn đến những cơn đau “Xấu”.

Bạn có đủ dẻo để làm bồ câu, vắt chân qua đầu, hay chạm tay xuống đất khi gập người. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc, chúng ta đang sứ dụng bộ phận nào trên cơ thể để vào những tư thế này hay chưa. Việc đi vào các tư thế này một cách quá nhanh khi chưa có hỗ trợ của cơ, xương nhất định sẽ tạo áp lực ngay lấp tức lên khớp, căng cứng quá mức dây chằng,…. Cộng thêm sự linh hoạt ở khớp lại càng khiến bạn đi xa hơn nữa, theo thời gian sẽ dẫn đến những cơn đau không dứt và chấn thương mãn tính. Nói chính xác hơn là chúng ta đang sử dụng khớp để chịu áp lực mà đáng lẽ ra hệ thống cơ phải làm.

Hoặc giả, ép cơ thể đi quá mức giới hạn của nó, đến nỗi cơ không còn đủ sức để thực hiện chức năng thường lệ. Thì tất nhiên, các hệ thống khác trên cơ thể sẽ gánh chịu một phần áp lực.

Chúng ta cũng nên lưu ý rằng, đa số các trường hợp chấn thương trong Yoga đều đến từ từ. Tức là, bạn không thể tập bồ câu một ngày và bị thoái hóa các đốt sống ở thắt lưng ngay lập tức.

Khi nào cần chú ý đến những cơn đau này?

Khi có một trong những triệu chứng dưới đây, có lẽ đã đến lúc cơ thể bạn báo động:

Đầu tiên, cơn đau kéo dài sau khi tập thể dục. Cơn đau không biến mất khi nghỉ ngơi, không đổi hoặc tăng dần theo thời gian

Thứ hai, ảnh hưởng đến hiệu suất thể thao của bạn.

Thứ ba, ảnh hưởng đến chức năng của bạn bên ngoài các môn thể thao, chẳng hạn như đi bộ hoặc ngủ...

Lắng nghe và thấu hiểu cơ thể mình nhiều hơn nữa để tránh các chấn thương không mong muốn.

Nguồn: Inside Yoga

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

TRUNG ĐẠO & YOGA

TRUNG ĐẠO & YOGA

Trung đạo theo nhà Phật là cách thực hành cho tâm trí nhìn nhận bản chất thật của vạn vật. Với trung đạo, ta không khởi tâm phân biệt TỐT- XẤU, GIỎI - KÉM, THIỆN - ÁC.…. Trung đạo không chỉ là quan điểm sống của Phật tử mà còn biểu thị tinh thần trung dung, cởi mở, không cố chấp cho tất cả chúng ta. 

Trong cuộc sống thực dụng ngày nay, chúng ta thường có xu hướng phân cực mọi việc như kiểu chỉ có TÔI hoặc KHÔNG PHẢI TÔI. Theo quan điểm của tôi thì Đúng, khác đi là Sai. Theo tôi thì gọn gàng, ngăn nắp mới thể hiện được mức độ đáng tin cậy năng lực suy luận của một người, còn lại thì đều rất đáng ngờ. Tôi nghe loại nhạc đó thấy thật kinh khủng, không hiểu sao người ta lại chịu nổi? Tôi ăn chay là thiện lành, còn không thì vướng ác nghiệp. Tập Yoga như tôi mới khỏe, anh không tập thì còn lâu nhé! Hay tập tư thế này theo kiểu tôi mới đúng, theo kiểu anh là sai. Tôi thấy HLV này dạy hay, còn HLV kia thì dở ẹt. Và cứ thế, mọi thứ trong tâm chúng ta dường như được phân định rõ ràng trắng đen.

Bây giờ hãy tưởng tượng đến một khúc gỗ trôi trên dòng sông. Nếu khúc gỗ ấy cứ lênh đênh giữa sông thì nó sẽ được đẩy trôi đi rất xa. Nhưng nếu khúc gỗ ấy bị dạt sang một trong hai bên bờ, nó nhất định sẽ bị vướng mắc, kẹt lại ở điểm nào đó mãi mãi và dĩ nhiên, không thể trôi xa được. Tâm trí của chúng ta cũng thế. Nếu cứ khư khư cố thủ những tư tưởng cực đoan, phân định, cuộc sống an lạc và sự bình yên trong tâm trí thật sự rất khó lòng có được. Quan điểm của chúng ta về một việc nào đó mặc nhiên đã được cài đặt sẵn trong đầu, do nhiều thành tố khác nhau tạo nên như văn hóa, môi trường sống, tư tưởng giáo dục, định kiến và cả sở thích, tính cách nữa. Vậy nên ta vốn dĩ thường hay bị vướng mắc, bị “gài bẫy” bởi chính sự bám chấp cố hữu trong tư tưởng, trong tâm trí từ rất lâu rồi.

Trong việc luyện tập Yoga cũng thế. Nếu ta cho rằng ngồi phải thoải mái mới tốt, còn vẫn cảm thấy khó chịu là do sự yếu kém của cơ thể, ta đã bám chấp. Nếu ta cho rằng tập Yoga thì phải lựa chọn không gian tĩnh lặng thì mới phù hợp, còn ồn ào thì sẽ gây ra cản trở, ta đã vướng mắc. HLV phải theo phong cách này mới hay, mới thấm, còn nói kiểu khác thì nghe không lọt lỗ tai chút nào, ta sẽ lãng quên việc mình cần làm trong khi thực hành Yoga là lắng nghe chính mình. Và cứ thế ta cứ bị mắc kẹt đâu đó!

Dù thế nào thì cũng hãy nhớ rằng: tất cả cuối cùng chỉ là sự ngộ nhận, là sự phóng chiếu của tâm mà thôi. Không cố chấp vào quan kiến cá nhân thì không phát sinh mâu thuẫn, xung đột. Nghe một âm thanh, tùy vào năng lượng tích trữ bên trong mỗi người mà nhận định âm thanh ấy du dương, êm dịu hay chói tai, khó nghe. Nhưng thực chất, âm thanh chỉ là âm thanh, tâm mới là nơi xuất phát xúc tình.

Tuy nhiên, bước đầu thực hành lối nghĩ trung đạo, cần "phát hiện" ngay thời khắc ta bắt đầu "phân cực" trong tâm trí để điều hướng lại. Tâm khởi xướng nhận xét, đánh giá, nhận định... là lẽ tất nhiên, nhưng càng ngày những quan điểm đó không lôi kéo tâm trí chúng ta vào khổ đau hay hạnh phúc..... Bình thản, an nhiên!

Trung đạo dạy ta cách sống đón nhận tất cả mọi thứ, tự nhiên như nó vốn là. Không khởi tâm chấp trước, không phân biệt hay vọng tưởng, không thiên vị, bám chấp, vướng mắc. Hãy để tâm trong sáng và nhìn thấu vạn vật với sự bình an, tĩnh lặng! Người dạy và tập Yoga càng nên thực hành lối sống trung đạo để ngày càng tinh tấn hơn trên hành trình đã chọn. Một lời nhắn nhủ cho năm mới bình an, tinh tấn! 

Namaste!!!

---
Chép từ FB Trần Bạch Ngọc

SỨC MẠNH của sự TĨNH TẠI

 SỨC MẠNH của sự TĨNH TẠI

Tâm trí của chúng ta luôn hoạt động như những con sóng trên mặt biển, liên tục, dồn dập và không ngừng nghỉ. Việc cố gắng không nghĩ ngợi, dừng lại các dòng suy tưởng cũng giống như nỗ lực dừng mọi con sóng ấy lại. Và đó là điều hoàn toàn không thể.

Dù vậy, hãy nhìn xuống đáy đại dương sâu thẳm, mặc cho bên trên có bao nhiêu con sóng hung hãn, dữ dội, dưới đó luôn bao trùm sự tĩnh lặng, yên bình và hoàn toàn không bị ảnh hưởng hay chi phối.

Để thỏa mãn các nhu cầu "phàm trần" cũng như tìm kiếm hạnh phúc, tâm trí của chúng ta thường "hướng ngoại", thông qua các giác quan và bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Niềm vui ngắn ngủi đến từ những trải nghiệm bên ngoài. Chúng nhanh chóng thoáng qua và biến mất. Chúng ta lại tiếp tục chạy theo những nhu cầu mới, cao hơn, nhiều hơn.... Tâm trí xáo động, hỗn loạn với quá nhiều đòi hỏi từ chính chúng ta.

Tỷ như khi đi tập Yoga. Lúc đầu chúng ta tự đặt mục tiêu là thực hiện mấy động tác cơ bản thôi, cho người dẻo dẻo xíu, khỏe khỏe xíu là ổn rồi. Tập được một thời gian, thấy bạn bè tập được mấy asana "ghê gớm" hơn, thế là cũng ráng bon chen thêm. Chưa dừng lại, nghe có lớp nâng cao, "mở hông, xoạc háng, mở vai trên, uốn lưng dưới, đứng bằng tay....." đủ các thể loại với hằng nghìn tấm ảnh, video clip minh họa của các HLV chuyên nghiệp, mình cũng không kiềm lòng đặng. Đến lúc tập lại chuỗi Chào mặt trời thì ôi thôi, tai chưa nghe dứt lời HLV hướng dẫn thì đầu đã nảy sinh đủ nhận xét. Nào là: "HLV này nói nhiều quá, mấy này tui biết hết rồi!", "Có nhiêu đây làm đi làm lại hoài vậy chèn, chán chết!", "Không sáng tạo gì mới được, rõ ràng là HLV không có kinh nghiệm, sao đủ trình dạy tui....."

Đó, vậy là phong ba bão tố nổi lên. Tự mâu thuẫn, tự xung đột, tự thấy không hài lòng. Và dĩ nhiên, không còn BÌNH YÊN.

Hãy nhớ rằng, vẫn còn đó sự tồn tại của thứ hạnh phúc không bao giờ thay đổi, không bao giờ lay chuyển, vượt qua mọi tác nhân bên ngoài. Và chúng ta có thể tìm thấy điều đó tại tầng sâu nhất, yên tĩnh nhất của tâm trí. Khi tâm trí BÌNH AN, TĨNH TẠI, mọi nhu cầu, khổ đau sẽ tan biến. Đi đến đâu cũng là YÊN BÌNH. Yên bình đến từ sâu thẳm dưới đáy đại dương như từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta.
Vậy thì làm sao để đi vào sâu được đến đó? Phải lặn ngụp, tìm kiếm và tự kết nối với chính bản thân chúng ta chớ còn sao nữa. Đứng trên tay mà bỏ được sự run rẩy của cơ thể để quán chiếu được cảm xúc, hơi thở trọn vẹn trong tư thế đó thì còn gì tuyệt vời hơn. Dùng THÂN, dùng tư thế Yoga để hợp nhất TÂM - TRÍ mới là thực hành.... Yoga nâng cao. Tĩnh tại trong vận động để nuôi dưỡng, bồi đắp cho sức mạnh Tâm trí mới là mục đích của việc thực hành Yoga.
Mong lắm một sự "tỉnh thức" từ cộng đồng! Tĩnh tại từ tâm mới là sức mạnh
Namaste
---
Chép từ FB Trần Bạch Ngọc