Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Giải phẫu cơ thể học (anatomy) trong yoga quan trọng hay không?




Giải phẫu cơ thể học (anatomy) trong yoga quan trọng hay không? Nên áp dụng định tuyến vào asana hay không? 

Với 10 năm tập luyện và gần 5 năm dạy yoga thì mình khẳng định điều đó cực kỳ quan trọng. Mình với một cơ thể khá dẻo đến với yoga với niềm đam mê và một thời gian dài chinh phục những thế yoga khó là mục đích tập luyện của mình😬(tạ ơn trời con chưa bị chấn thương). 

Có thể bạn quan tâm:
Thời gian tiếp xúc với yoga dài và nhìn thấy nhiều người bị chấn thương (học viên yoga và cả giáo viên) thì mình bắt đầu đi chậm lại. Nhìn lại cả chặng đường mình tập với nhiều trường phái yoga khác nhau, nhiều giáo viên Việt có, Ấn Độ có, Tây cũng có...mình thật sự muốn hiểu rõ hơn cách tập yoga thế nào cho an toàn, tìm hiểu về anatomy và định tuyến (nhưng thật sự chưa thông hiểu rõ). 

May mắn thay mình đã tìm được khóa học yogaworks của Mỹ do thầy David Kim dạy. Một khóa học theo mình là rất đắt nhưng xứng đáng với đồng tiền và thời gian mình bỏ ra để học vì thật sự hay và bổ ích. Khóa này học rất kỹ về cơ thể học. Học để hiểu chúng ta sinh ra với cấu trúc xương khớp khác nhau, độ dãn dẻo cũng khác nhau thì làm sao chúng ta cố làm các động tác, chân tay để giống nhau, hoặc giống giáo viên yoga (người có thời gian tập lâu hoặc có hệ xương khớp tốt)? 

Mình ngơ ngác với các khái niệm khớp bản lề, khớp chỏm, khớp cầu lồi; rồi các mặt phẳng ngang, dọc, trước, rồi thêm bao nhiêu là tên các nhóm cơ khi làm 1 tư thế mới hiểu ra sao mà khó thế, mới hiểu ra mình đã từng tập nguy hiểm thế nào khi để cơ thể mình chọn lựa hướng đi dễ, tận dụng những ưu điểm dẻo của cơ thể để vào tư thế và vô tình đặt mình vào nguy cơ chấn thương. 

Chấn thương trong yoga nhiều khi mình thấy ngay, nhưng nhiều khi nó là sự tích lũy dần theo năm tháng tập luyện sai, đó là lý do tại sao nhiều người càng tập càng đau lưng, đau vai cổ, đau đầu gối, cổ tay vì sự không hiểu về hệ xương khớp của mình, và về định tuyến trong yoga. 

Mình phải phân biệt rõ giữa cái đau ê ẩm của cơ khi tập luyện (thường là vài ngày) và cái đau nhói, đau buốt của sự chấn thương dây chằng, gân, khớp (kéo dài vài tuần vài tháng). Đặc biệt các bạn bị loãng xương, huyết áp, tim mạch thì nên tránh xa các tư thế khó, tư thế nâng cao. 

Và khi hiểu về cấu trúc xương khớp thì chúng ta thật sự thoải mái và tỉnh thức trong cách tập luyện. Định tuyến là sự thẳng hàng tự nhiên của xương khớp mà khi luyện tập lực được chia đều vào các nhóm cơ vững vàng để tránh chấn thương. 

Khi học về cơ thể học thì chúng ta cũng tránh được sự so sánh mình với người khác khi thấy sao họ dẻo thế, sao họ khỏe thế khi làm được nhiều tư thế khó, chúng ta sẽ hiểu rằng do cầu trúc xương của họ là vậy và có khi cả đời mình cố bẻ thì cũng không thể mở ra để làm giống họ được. 

Độ dẻo và độ khỏe sẽ được cải thiện theo thời gian tập luyện nhưng để giống được người với hệ xương khớp dẻo và chắc khỏe tự nhiên là rất khó. Mình sẽ yêu thương cơ thể mình, sẽ chấp nhận sự khác biệt của cơ thể mình như chúng ta chấp nhận màu da màu mắt khác nhau. 

Nhìn những tấm hình yoga đẹp mình ngưỡng mộ nhưng sẽ không bắt ép cơ thể đau đớn để làm được điều đó. Asana nên vững vàng và thoải mái, nếu chúng ta không tỉnh thức trong tập luyện thì chúng ta đang đẩy mình đến nguy cơ chấn thương. 

Chúng ta không nên đến lớp tập vì giáo viên này đẹp, giáo viên kia làm toàn tư thế khó. Chúng ta nên tìm hiểu và tập với giáo viên tận tâm và có kiến thức yoga tốt và điều quan trọng là cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà người giáo viên đó truyền cho mình. 

Yoga không phải là một tôn giáo; yoga không phải là asana với đứng đầu, đứng tay, bồ câu, con công... Yoga với lịch sử hơn 5000 năm là cả một hành trình rèn luyện tâm trí, giúp chúng ta tinh thần và thể chất tốt, giúp chúng ta thoát khỏi những dính chấp của mọi lo buồn, đau khổ thì một cuộc đua về các tư thế có đáng không? 

Thầy tôi luôn nói đúng sai trong yoga rất khó phân biệt, chỉ là mình hiểu được cơ thể mình được gì và mất gì khi vào tư thế để tập luyện theo sức mình. Mong sao các giáo viên đừng vì cái tôi của mình, đem cơ thể của mình để dạy cho học viên mà hãy hiểu cơ thể học viên cần gì, thiếu gì và giúp họ tiến bộ theo khả năng của họ. Khả năng của chúng ta là có hạn, tôi đã thức tỉnh mong bạn cũng thức tỉnh. 

Kiên trì tập luyện và đừng cố ép mình trong đau đớn là phương pháp yoga của tôi bây giờ. Đến bây giờ tôi nhận thấy hành trình kiến thức yoga còn dài lắm, và khóa học vừa rồi không phải là khóa cuối tôi học mà sẽ còn phải học nhiều nữa, không phải tôi mong là người giỏi nhất mà vì tôi trân trọng từng cơ thể của học viên tin tưởng đến với mình. 

Tôi yêu thương cơ thể tôi và cơ thể bạn, xin bạn cũng yêu thương cơ thể mình. Tập an toàn các bạn nhé😊.
---
Chép lại từ FB Uyen Quynh Pham

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Ai hưởng lợi từ việc cấp lại bằng cho huấn luyện viên yoga?


AI HƯỞNG LỢI TỪ VIỆC CẤP LẠI BẰNG CHO HUẤN LUYỆN VIÊN YOGA?

Thời gian qua cộng đồng Yoga trong cả nước đã phản ứng trái chiều trên các mạng xã hội và các diễn đàn về việc thay đổi bằng cấp từ quyết định của Liên Đoàn Yoga Việt Nam(LĐYGVN) đề ra. 

Ngày 30/3/2017, bất ngờ, Liên đoàn Yoga VN đã ra công văn 477 với nội dung như sau:
Đề xuất, bắt buộc các Huấn Luyện Viên(HLV) đang giảng dạy tại tất cả trung tâm, cơ sở yoga phải đi tập huấn do Liên đoàn Yoga VN (LĐYVN) tổ chức. Nhưng trước khi “được” đi tập huấn HLV đó phải hoàn thành xong 300 giờ dạy. Và sau khi tập huấn xong mới được cấp chứng chỉ hành nghề yoga cơ bản của LĐYGVN.

Để tìm hiểu thêm chi tiết PV Lao Động Việt có buổi tiếp xúc trò chuyện với Cô Duyên Anh, Huấn Luyện Viên Yoga (từng là huấn luyện tại công ty Trái Tim Vàng), và bây giờ là HLV tự do để tìm hiểu thêm thông tin tại sao có việc đưa ra thông báo này. Mục đích của việc chứng nhận lại chứng chỉ hành nghề của các HLV là gì ?

Cô Duyên Anh bức xúc nói: ”Trước khi chúng tôi đi dạy đều được đào tạo huấn luyện và tổ chức thi bởi Hội Dưỡng sinh HCM, sau đó nhận chứng chỉ mới được dạy, vậy tại sao bây giờ Liên đoàn Yoga buộc chúng tôi phải thay đổi bằng cấp với hình thức bắt đi tập huấn lại với mức học phí 7 triệu/7 ngày. Vừa phải ra điều kiện đã hoàn thành đủ 300 giờ giảng dạy. Vậy những giáo viên mới ra nghề chưa đi dạy làm sao có đủ 300 giờ để đi tập huấn và nếu họ không được tập huấn thì không được cấp chứng chỉ hành nghề. Lẽ nào giáo viên đó vĩnh viễn không bao giờ được đi dạy ???

Theo công văn này thì HLV đang làm việc phải hoàn thành 300 giờ dạy Yoga mới được đi tập huấn 7 ngày với giá 7 triệu. Các HLV đang lagm việc bức xúc về việc họ đã học xong với bằng cấp có đầy đủ giá trị, tại sao lại phải tập huấn lại để được cấp lại bằng ? Ai sẽ là người trả chi phí cho cuộc tập huấn đó? Nhưng điều bất cập nhất trong việc này là đòi hỏi người đi tập huấn phải có 300 giờ dạy chính thức. Thế thì những người mới ra trường, chưa dạy chính thức thì sẽ không được tập huấn. Và nếu không tập huấn thì không có bằng? Nếu vậy thì làm sao những học sinh mới ra trường này có thể hành nghề?

Cô Duyên Anh thắc mắc thêm:”Cơ quan có thẩm quyền nào chứng nhận cho giáo viên đó đã hoàn thành xong khóa dạy 300 giờ? tại sao phải có chứng nhận 300 giờ rồi mới được đi tập huấn mà chỉ cấp giấy chứng nhận hành nghề, điều này rất mâu thuẫn và khó hiểu đối với các huấn luyện viên yoga trong nước. Trong khi những đơn vị được phép chứng nhận cấp 300 giờ dạy là 1 trong 7 trung tâm thuộc liên đoàn yoga VN, vậy có tiêu chuẩn nào để chứng minh họ đủ đạt chuẩn để cấp chứng nhận cho các huấn luyện viên hay không? Ai giám sát việc cho việc này? cơ quan nào có thẩm quyền và đủ chuyên môn để giám sát họ?

7 trung tâm này gồm: 1.công ty Trái Tim Vàng-tp HCM, 2.công ty cổ phần Thể thao Quốc tế Việt Ấn, 3.Công ty Cổ phần học viện Yoga VN-HN, 4.Hội Yoga TP Hải Phòng, 5.Hội Thể dục dưỡng sinh TP HCM (chi hội Yoga TP HCM), 6.Trung tâm đào tạo Yoga TP HCM, 7.Trung tâm Hương Anh Fitness và Yoga HN.
Theo cộng đồng Yoga: ”7 trung tâm này hiện đào tạo HLV và cấp chứng nhận đã hoàn thành đủ 300 giờ dạy (họ đồng thời cũng là thành viên của Liên đoàn Yoga VN)
Trên FB, Phó chủ tịch LDYVN Lê Thị Tố Hải (hiện là chủ tịch Công ty Đào tạo HLV Yoga Trái tim Vàng) trả lời cho các HLV về công văn 477 như sau: “Nếu đơn vị kiểm tra phát hiện HLV nào chưa có bằng chứng nhận bởi Liên đoàn, thì HLV đó sẽ bị đình chỉ dạy đồng thời cơ sở Yoga nơi đó sẽ phải tạm đóng cửa”

Nhưng theo thông tư luật Yoga của bộ văn hóa Thông tin cho phép Tổng cục Văn hóa Thể thao thực hiện tập huấn Yoga trong phạm vi cả nước thì phải mất vài năm chứ không thể nào mới ra luật mà đi kiểm tra và phạt liền ngay được. Và thông tư của bộ VHTT không đề cập đến người được tập huấn phải hướng dẫn đủ 300 giờ dạy, và cũng không bị phạt hoặc ngưng hoạt động.

Trong khi Bộ VHTT chưa đưa ra bất cứ một văn bản nào để đình chỉ các chứng chỉ nghề của HLV Yoga được hội dưỡng sinh thành phố HCM, và hội Yoga VN đã cấp trước đó không còn tác dụng để hành nghề thì tại sao tổng cục thể thao – LĐ Yoga VN bắt buộc chuyển đổi chứng chỉ hành nghề Yoga, mà chứng chỉ chỉ có thời hạn 5 năm thôi. Với học phí cho đợt tập huấn này là 7 triệu/1 HLV trong thời gian 7 ngày.
“Sau khi phát công văn gửi đến cho các cơ sở bắt buộc HLV đi học thì 3 ngày sau một số trung tâm thuộc liên đoàn yoga đã chạy quảng cáo rầm rộ trên FB về việc nhận đào tạo HLV đồng thời cam kết học xong sẽ tạo điều kiện cho HLV đó được dạy đủ 300 giờ mới đi tập huấn, vậy mục đích của Liên đoàn Yoga đề ra 300 giờ là động cơ gì cho khóa huấn luyện này? ” Cô Duyên Anh nói.

Vì thế, các HLV Yoga thắc mắc: Tại sao Liên Đoàn Yoga VN bắt HLV phải được đào tạo đủ 300 giờ để đi tập huấn. Và ai là cơ quan đào tạo này? Chính các trung tâm Yoga thành viên của LĐYVN. Có phải đây là một cách để có thêm thu nhập của LĐYVN?
Ngoài ra, một câu hỏi cũng được đặt ra là: Trong Liên đoàn Yoga VN và tổng cục thể thao thì ai là người giám sát việc ra quy định này?

Với cương vị là phó chủ tịch Liên đoàn Yoga VN, bà Lê Thị Tố Hải đã đủ giảng dạy 300 giờ chưa? Ai chứng nhận và cơ quan nào là người cấp chứng nhận hành nghề Yoga VN cho bà và các thành viên còn lại trong LĐYGVN?

Câu trả lời còn lại dành cho những người có thẩm quyền .

Phóng viên LĐV
---
Chép từ trang FB Lao Động Việt

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Yoga - Tỉnh thức trong luyện tập asana!!!


Tỉnh thức trong luyện tập asana!!!


Note này viết ra với sự yêu thương chỉ giành cho những bạn bắt đầu, đang và thực hành trên con đường của yoga mong muốn tìm thấy con đường tập luyện đúng nghĩa và muốn yêu thương cơ thể của mình đặc biệt là đang tập luyện asana. Cảm hứng mình viết note này là nhìn một vài video up lên face mình xem mà thấy thương học viên trong đó có những học viên mình rất yêu quý.

Có thể bạn quan tâm:

Đây là những gì mà mình chắt lọc, tổng hợp kiến thức ra từ những người thầy mà mình đã được học và là sự trải nghiệm của bản thân có sự đau đớn, hạnh phúc và cũng là những gì mình đang làm và muốn chia sẻ cho các bạn:
- Học yoga cần biết học cách làm thế nào để sử dụng cơ thể của mình để vào thế, mình là người cần phải hiểu cơ thể mình đầu tiên, mình phải là người biết yêu cơ thể của mình, không người thầy nào hiểu hộ mình được cái đó.
- Khi học các tư thế nâng cao bị thầy cô giáo ép có thể khước từ không làm tư thế đó nếu như nền tảng cơ thể để vào tư thế đó chưa vững, nếu cố tình vào sẽ dễ gặp chấn thương. Chấn thương có thể ngày hôm nay bạn chưa nhìn thấy nhưng với cách tập luyện vậy thì sẽ xảy ra trong tương lai. Chỉ vào thế khi cơ thể đã sẵn sàng hoặc yêu cầu người giáo viên hướng dẫn vào biến thể của tư thế đó thì vẫn hưởng được lợi ích của tư thế đó. 
- Một tư thế nâng cao cần hiểu các bộ phận cấu thành trong cơ thể để làm lên tư thế là những bộ phận nào sau đó xây dựng từng phận đó khoẻ và vững chắc sau đó mới vào thế. Không có tập chạy trước khi biết lẫy, biết bò và biết đi. Vào một thế yoga hoàn hảo là một chuyến hành trình của cơ thể. 
- Sẽ tốt hơn là làm những gì cơ bản, hiểu nền tảng với kỹ thuật tốt, định tuyến và trong trạng thái thức tỉnh và ý thức hơn là làm một vài thứ dường như là nâng cao nhưng không hoàn thành. Nói cách khác, luyện tập đúng mang kết quả đúng, luyện tập sai mang kết quả sai.
- Sẽ tốt hơn luyện tập 15 phút hàng ngày hơn là giành 1 giờ luyện tập trong 1 tuần. Sự kiên trì, bền bỉ là chìa khoá để thành công. Luyện tập không phải là một phép màu nhiệm ngày một, ngày hai mà là phụ thuộc vào những gì bạn cho bản thân mình luyện tập hàng ngày. 
- Đối xử và chuyển động cơ thể trong trạng thái tỉnh thức, không đẩy cơ thể vào luyện tập quá khó mà khả năng chưa sẵn sàng, hãy kiên nhẫn với chính cơ thể của mình.
- Mỗi tư thế yoga mình tập phải hiểu mình đang tập gì và mục tiêu của mình như thế nào, nếu mục tiêu của mình là tập cho đẹp thì cứ tập miễn sao mình cảm thấy hạnh phúc nhưng đừng hại cơ thể mình chỉ vì cái đẹp.
- Hãy học cho bản thân và cân bằng tâm trí và tìm ngay trong con người mình có những gì để khai thác chúng. Mỗi một cơ thể là khác nhau, cần nhận biết mình thiếu gì để luyện tập, giành thời gian và tập luyện đều đặn.
- Khi giữ thế hãy cảm nhận cơ thể và làm động tác có hồn khi giữ thế, đừng có copy và paste tư thế khi không biết cảm nhận cơ thể.
- Chưa có dẫn chứng nào nói rằng tập những tư thế nâng cao sẽ tốt hơn tập những tư thế yoga cơ bản, cái cần nâng cao là sự tập trung vào hơi thở và cơ thể, một tư thế cơ bản mà nếu tập trung được lâu và sâu thì hiệu quả tư thế đó rất có nhiều lợi ích hơn tư thế nâng cao.
- Khi cơ thể dẻo thì đừng ép dẻo thêm nữa làm gì, hãy tìm tới độ bền trong cơ thể để cho cơ thể của mình có sự cân bằng. Cơ thể cần có âm và dương, dẻo và bền.
- Hãy chọn cho mình một người thầy hướng dẫn đào tạo cho bạn có trái tim làm việc từ tâm và là người giảng dạy về giá trị tinh thần trong yoga cũng như trong đời sống và làm sao để có thể áp dụng những kiến thức từ trong tư thế tập luyện asana hay trong triết lý yoga không chỉ áp dụng được trong lớp học mà còn để áp vào cuộc sống. Người thầy này sẽ là người truyền cảm hứng cho bạn.
- Hãy luôn mở rộng tâm trí để đón nhận những kiến thức mới và cần xác định rõ con đường nào là bạn đang đi, không tập luyện hay học tập theo kiểu phong trào trong khi ngay bản thân mình không biết mình đang thiếu gì. 
- Trên con đường bạn tập luyện có rất nhiều lối đi để về đích thậm chí bạn sẽ gặp những lối đi sai nhưng hãy biết phân định kiến thức đúng và sai để rèn luyện cơ thể và tâm hồn của mình đẹp hơn mỗi ngày. Đừng vì cái tôi của mình mà quên đi bản chất thánh thiện của bạn.
Chào tuần mới, mỉm cười và tiếp tục lái cảm xúc và bộ não của bạn!!😊🌻🌻
---
Chép lại từ FB Đỗ Thùy Trang