Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

TẬP YOGA NHƯ NIỀNG RĂNG (Thân yêu dành tặng các chị em tập yoga ❤️)


Tôi đi tập và đi dạy Yoga. Có rất nhiều câu hỏi băn khoăn: tại sao lưng mình gù thế nhở, tại sao chân cứng thế nhở, sao đầu gối không thẳng không chạm sàn, sao tư thế Anh Hùng (Virasana) không ngồi bệt xuống đất được mà chân cứ xoè ra, sao không xoạc được, xoạc được rồi sao không thẳng lưng nằm bẹp xuống sàn được. Tại sao tại sao?

Thường khi người tập đặt ra các câu hỏi này là họ đang không thoả mãn với tình hình hiện tại. Những người tập khác tập đẹp hơn, dẻo hơn sẽ nói: bạn cứ tập đi rồi nó khắc được!

Có thể bạn quan tâm:
Chắc bạn đã biết người ta niềng răng như thế nào. Người ta nối các răng bằng một hệ thống dây và vài tháng một lần siết chỉnh dây để lôi răng cho đều. Cơ thể chúng ta gồm các xương thành phần vật liệu giống hệt răng, và thay vì các dây thép, chúng ta có các cơ, mạc, dây chằng nối các xương. Khi tập yoga, chúng ta cũng chỉnh dần xương khớp bằng cách siết chỉnh các “dây” này. Người ta niềng răng phải mất 2 năm mới kéo được răng cho đều. Xương thì to và phức tạp hơn răng rất nhiều, chắc cũng phải mất từng ấy thời gian mới chỉnh nhìn thấy được rõ ràng khác biệt trên cơ thể. Và nó là một quá trình chỉnh từ từ, cực kỳ chậm, chứ không ai chỉnh răng bằng cách đến nha sĩ kéo rẹt cái xong ngay 🤣

Khi mới bắt đầu tập yoga, tôi còn đặt các câu hỏi aggressive hơn nhiều:
- Theo chị nếu em làm nóng cơ bằng cách xoa dầu dán cao nóng rồi mới xoạc thì nó có dãn cơ tốt hơn không? 🙂
Hoặc:
- Chị mất bao lâu để xoạc được dọc như thế này?
- Khoảng hai năm em ạ
- Khiếp cái gì?! Hai năm á?!?
Hai năm sau. Tôi vẫn chưa xoạc được =)) nhưng thái độ của tôi với việc xoạc hay việc tập yoga nói chung đã khác. Mà thật ra bạn không cần mất hai năm để xoạc, nếu thật sự cực kỳ muốn xoạc, hãy bỏ ra hai tiếng khởi động dãn cơ. Sau hai tiếng là cũng xoạc được kha khá. Tất nhiên ngày hôm sau khi không khởi động thì bạn lại cứng và không xoạc được. Nhưng đó chính là bản chất của cuộc đời này mà. Người ta sinh ra, già yếu chết đi, rồi lại đầu thai sinh ra, lại già yếu chết đi. Nhưng mục đích và sứ mệnh của mỗi cuộc sống chưa bao giờ là để xoạc :))))) hay để làm bất kỳ một hình dạng nào với cơ thể mình.

Tôi cho rằng khi tập yoga, chúng ta dùng tâm trí là cái không nhìn thấy được, để thay đổi cơ thể là cái nhìn thấy được. Nếu ta đặt nặng áp lực lên cơ thể (phải dãn! phải xoạc! Khiếp cái chân này sao mày cứng thế? sao xung quanh và trên instagram làm được mà mình không làm được?! 😠😡), cơ thể sẽ bị căng thẳng. Nếu tâm trí ta coi được một tư thế dãn sâu là thư giãn, cơ thể sẽ được thả lỏng. Lần sau khi tập dãn cơ thấy khó ở quá, hãy thử thay đổi tâm trí, nghĩ: hỡi đôi chân thân yêu nhiều cơ bắp khỏe mạnh đã giúp tôi đi lại chạy nhảy mỗi ngày, hãy thư giãn ra, và để cho tất cả căng thẳng thoát ra cùng hơi thở. Hãy thư giãn, hãy tận hưởng cảm giác đau này, vì nhỡ đâu sau này khi tôi xoạc được dễ dàng, tôi không còn cảm nhận được cảm giác này nữa.

Đừng tự ép mình, cuộc sống này đã có quá nhiều thứ ép ta :)))) Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép háng? Những thay đổi rất nhỏ mỗi ngày mang lại kết quả vĩ đại hơn nhiều. Vì khi bạn nhìn thấy thay đổi về cơ thể, cũng là lúc tâm trí bạn đã thay đổi theo.

Ảnh: tôi chụp cùng cô giáo Linh Bling trong tư thế Ngồi Cúi Gập Trước (Paschimottanasana). Linh không cần cố gắng nhiều còn tôi đang cố hết sức. Cột sống lưng dưới của tôi hạn chế chuyển động cúi gập trước nhiều hơn Linh. Nghĩa là tôi có thể tập luyện để “niềng” cột sống của mình và nhìn thấy sự thay đổi theo từng năm. Có khi sắp được thẳng thì già loãng xương lưng còng là vừa =)) nhưng có làm sao? Bản chất của cuộc đời là xây lâu đài cát bên bờ biển mà 🙂

Tất nhiên, bạn vẫn có thể coi Yoga là một môn thể thao thuần túy và cố gắng đạt thành tích là các hình tư thế. Khả năng chấn thương là có nhưng vẫn là an toàn so với các môn thể thao khác và so với việc không chơi thể thao. Hãy chơi thể thao vui vẻ và trân quý cơ thể mình!

(Bài viết mang một tí tẹo Đạo giáo, Phật giáo và AQ)
---
Chép từ FB Hamyhatha

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Phương pháp tập Asanas thế nào cho đúng?


Xu hướng hiện nay có nhiều phương pháp Yoga được xây dựng và tạo ra những dòng phái mà nhiều người theo áp dụng, trải nghiệm. Có nhiều người bảo phương pháp tôi theo là đúng và phương pháp của ông thầy khác là sai, nhiều học viên khi tiếp cận cũng hoang mang. 

Quan điểm của tôi là một dân toán học, dân kỹ thuật nặng về nghiên cứu thì tôi xác định từ đầu là theo giải pháp, giống như cơ địa cụ già không thể áp dụng cho cơ địa người trẻ tuổi, cơ địa một người bị bệnh không thể áp dụng cho một người bình thường. Vậy mỗi đối tượng khác nhau tôi đưa ra giải pháp khác nhau, sao cho phù hợp, một cô gái xinh đẹp khi hướng dẫn Yoga làm đẹp cho chị em phụ nữ sẽ là thắng tôi rồi, vì trời đất sinh ra họ là phái đẹp, là duy nhất, là sự đặc biệt nên tôi nghĩ tôi quan sát học hỏi và trân trọng. 

Có thể bạn quan tâm:


Khi tôi nghiên cứu đầu tiên và trải nghiệm đầu tiên Rajadhiraja Yoga do tổ chức Ananda Marga xây dựng thì nền móng hay nền tảng cơ bản là dựa vào luân xa, nội tiết tố, hay Hatha Yoga tập trung vào cân bằng năng lượng dương và âm khi thực hiện... ngày nay thì có thêm một sự chuyển biến lớn là phương pháp thực hiện theo định tuyến, theo giải phẫu cơ xương khớp... trở thành trào lưu hót trong thời gian vừa qua thì nhiều người bảo cách tập người khác chưa chuẩn, sai nhưng tôi nghĩ nó đúng chỉ một phần, nó là sự cải tiến rất hay nhất là những tư thế tập phục hồi cho cơ xương khớp, những người bị bệnh lý cơ xương khớp và nó sẽ không đúng khi bệnh lý hay có vấn đề tổn thương bên trong như tâm sinh lý, nội tạng... bởi vì theo định nghĩa Yoga cổ xưa, Asanas (tư thế) là những tư thế Yoga thỏa mãn vững chắc và thoải mái về mặt thể xác và tinh thần. 

Điều đó một người cột sống sinh lý của họ không giống nhau, có người xương cùng, cụt cong ra sau quá, trong khi thắt lưng thì quá võng vào trong, anh chị không thể kết luận là họ phải thẳng cột sống không có là sai... Nhưng quả thực định tuyến hay giải phẫu chức năng nhằm giúp chúng ta hiểu là tập sao đưa con người đúng bản chất vốn có của mình, bản chất mà trời sinh ra, cha mẹ cho mình như vậy. Tất cả không phải là đúng hay sai mà là cần khoa học, cần phù hợp cơ địa, sức khỏe... nguyên tắc thực hành sao cho phù hợp từng người, do đó cần hiểu bản thân mình, đánh giá bản thân càng chi tiết càng tốt từ đó đưa giải pháp phù hợp. 

Người tập và người dạy Yoga cần phải linh hoạt, sáng tạo và nhìn nhận công tâm để đưa ra giải pháp tối ưu nhất và miễn sao mục đích bạn tập cho khỏe thì ngày càng khỏe ra, mục đích bạn là đẹp thì tập ngày càng đẹp ra... Người bác sỹ tốt nhất chính là mình, dù ông thầy có giỏi đến mấy cũng không bằng sự trải nghiệm, sự tỉnh thức của chính mình trên con đường rèn luyện.

Trân trọng!

Đặng Hùng