Trong cuộc sống thực dụng ngày nay, chúng ta thường có xu hướng phân cực mọi việc như kiểu chỉ có TÔI hoặc KHÔNG PHẢI TÔI. Theo quan điểm của tôi thì Đúng, khác đi là Sai. Theo tôi thì gọn gàng, ngăn nắp mới thể hiện được mức độ đáng tin cậy năng lực suy luận của một người, còn lại thì đều rất đáng ngờ. Tôi nghe loại nhạc đó thấy thật kinh khủng, không hiểu sao người ta lại chịu nổi? Tôi ăn chay là thiện lành, còn không thì vướng ác nghiệp. Tập Yoga như tôi mới khỏe, anh không tập thì còn lâu nhé! Hay tập tư thế này theo kiểu tôi mới đúng, theo kiểu anh là sai. Tôi thấy HLV này dạy hay, còn HLV kia thì dở ẹt. Và cứ thế, mọi thứ trong tâm chúng ta dường như được phân định rõ ràng trắng đen.
Bây giờ hãy tưởng tượng đến một khúc gỗ trôi trên dòng sông. Nếu khúc gỗ ấy cứ lênh đênh giữa sông thì nó sẽ được đẩy trôi đi rất xa. Nhưng nếu khúc gỗ ấy bị dạt sang một trong hai bên bờ, nó nhất định sẽ bị vướng mắc, kẹt lại ở điểm nào đó mãi mãi và dĩ nhiên, không thể trôi xa được. Tâm trí của chúng ta cũng thế. Nếu cứ khư khư cố thủ những tư tưởng cực đoan, phân định, cuộc sống an lạc và sự bình yên trong tâm trí thật sự rất khó lòng có được. Quan điểm của chúng ta về một việc nào đó mặc nhiên đã được cài đặt sẵn trong đầu, do nhiều thành tố khác nhau tạo nên như văn hóa, môi trường sống, tư tưởng giáo dục, định kiến và cả sở thích, tính cách nữa. Vậy nên ta vốn dĩ thường hay bị vướng mắc, bị “gài bẫy” bởi chính sự bám chấp cố hữu trong tư tưởng, trong tâm trí từ rất lâu rồi.
Trong việc luyện tập Yoga cũng thế. Nếu ta cho rằng ngồi phải thoải mái mới tốt, còn vẫn cảm thấy khó chịu là do sự yếu kém của cơ thể, ta đã bám chấp. Nếu ta cho rằng tập Yoga thì phải lựa chọn không gian tĩnh lặng thì mới phù hợp, còn ồn ào thì sẽ gây ra cản trở, ta đã vướng mắc. HLV phải theo phong cách này mới hay, mới thấm, còn nói kiểu khác thì nghe không lọt lỗ tai chút nào, ta sẽ lãng quên việc mình cần làm trong khi thực hành Yoga là lắng nghe chính mình. Và cứ thế ta cứ bị mắc kẹt đâu đó!
Dù thế nào thì cũng hãy nhớ rằng: tất cả cuối cùng chỉ là sự ngộ nhận, là sự phóng chiếu của tâm mà thôi. Không cố chấp vào quan kiến cá nhân thì không phát sinh mâu thuẫn, xung đột. Nghe một âm thanh, tùy vào năng lượng tích trữ bên trong mỗi người mà nhận định âm thanh ấy du dương, êm dịu hay chói tai, khó nghe. Nhưng thực chất, âm thanh chỉ là âm thanh, tâm mới là nơi xuất phát xúc tình.
Tuy nhiên, bước đầu thực hành lối nghĩ trung đạo, cần "phát hiện" ngay thời khắc ta bắt đầu "phân cực" trong tâm trí để điều hướng lại. Tâm khởi xướng nhận xét, đánh giá, nhận định... là lẽ tất nhiên, nhưng càng ngày những quan điểm đó không lôi kéo tâm trí chúng ta vào khổ đau hay hạnh phúc..... Bình thản, an nhiên!
Trung đạo dạy ta cách sống đón nhận tất cả mọi thứ, tự nhiên như nó vốn là. Không khởi tâm chấp trước, không phân biệt hay vọng tưởng, không thiên vị, bám chấp, vướng mắc. Hãy để tâm trong sáng và nhìn thấu vạn vật với sự bình an, tĩnh lặng! Người dạy và tập Yoga càng nên thực hành lối sống trung đạo để ngày càng tinh tấn hơn trên hành trình đã chọn. Một lời nhắn nhủ cho năm mới bình an, tinh tấn!
Namaste!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét