Một người không thể nào biết hết được mọi kinh nghiệm thu thập bằng ngũ quan của tất cả những người khác, cũng như một tinh thần dù tế nhị đến đâu cũng không nắm bắt được hết những kinh nghiệm tâm linh hay kinh nghiệm siêu cảm quan. Sự hiểu biết toàn diện đòi hỏi phải có tích lũy rất nhiều hiểu biết. Nhiều điều hiểu biết kết hợp lại thành một Đại Toàn. Một người có thể biết được toàn thể mà toàn thể cũng có thể biết được từng người.
Vì thế, Yoga không phải chỉ có một con đường mà có rất nhiều con đường và đều dẫn đến một mục đích. Do đó, giáo lý Vedanta tuyên bố, tất cả các tôn giáo trên thế giới đều có thể áp dụng Yoga, cũng như những con suối, mỗi dòng bắt nguồn ở một nơi nhưng đều chảy ra biển cả. Ôi Thượng Đế! Các tôn giáo, mỗi nhánh đều có những sắc dân tin theo, vì tính tình và xu hướng của họ. Tuy khác biệt nhau, dòng tu nào cũng có những giai đoạn khúc mắc, giai đoạn dễ dàng, nhưng tất cả mọi tôn giáo đều dẫn con người về với Thượng Đế.
Bây giờ chúng ta xem xét vắn tắt từng phần của Yoga hay những con đường của Yoga:
I. Hatha yoga
Nghĩa thông thường của chữ Hatha yoga là sức khỏe, nhưng đó là ý nghĩa thứ yếu. Trong cuốn bình luận về Hatha yoga, Pradipika của Brahmanada có đưa ra cách giải nghĩa chữ Hatha. Chữ Ha có nghĩa là Mặt Trời, chữ Tha có nghĩa là Mặt Trăng, có thể hiểu là Yoga âm-dương.
Theo tác giả này, Hatha yoga có nghĩa là dùng quyền năng của Mặt Trời theo phương pháp yoga bằng cách hít dương khí vào lỗ mũi bên phải và dùng quyền năng của Mặt Trăng theo phương pháp thở Yoga bằng cách hít âm khí vào lỗ mũi bên trái. Nếu người ta thêm chữ Yoga có nghĩa là “nối liền” thì Hatha yoga có nghĩa là nối liền dương khí và âm khí trong người, có nghĩa là hòa hợp dương khí và âm khí trong con người.
Việc hòa hai dòng khí âm và dương, trong chương Yoga sutra đã trình bầy rất rõ ràng, luồng sinh khí Prana của vũ trụ được đưa vào trong thân người bằng cách điều khiển và khiểm soát hơi thở chỉ là bước khởi đầu để dẫn đến những bài tập Yoga cao cấp hơn.
Còn một ý nghĩa thứ yếu nữa là dẫn thẳng đến tình trạng sức khỏe tốt bằng phương pháp Yoga một cách chủ động có điều khiển dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy.
Chỉ cần thực hiện chu đáo riêng một môn Hatha yoga này cũng có thể đem lại những kết quả tốt cho bản thân mình. Ngày nay, người tập Hatha yoga ở Ấn Độ và nhiều nơi khác trên thế giới. Tập được như vậy con người sẽ có một ý chí cương quyết, một sức sống dồi dào. Những người tập Yoga coi đó là bước chuẩn bị thanh lọc cần thiết cho sự giác ngộ tâm linh. Có nhiều bằng chứng tin cậy cho thấy những Yoga bậc thầy có thể làm ngừng sự sống trong người tựa như người chết. Trường hợp ấy chứng minh môn Hatha yoga có thể làm sự sống của một con người tạm thời dừng lại. Sự ngừng nghỉ ấy cũng quan sát thấy ở những động vật ngủ đông nhưng diễn ra không hoàn hảo như ở trường hợp này.
Mặc dù những kết quả của môn Hatha yoga đối với các nhà sinh lý học rất quan trọng, nhưng chúng chỉ là những quá trình tâm, vật lý đơn thuần. Và nếu chúng tách rời khỏi tâm linh, sẽ biến thành những trở ngại hơn là giúp đỡ cho hành giả trên đường đạo.
Trong những bài tập phối hợp với Hatha yoga, còn có ép xác và tuyệt thực mà Đức Phật Thích Ca đã thực hành lúc đầu và thấy rõ nó không thể dẫn người ta tới giác ngộ được. Với Tây Tạng và Ấn Độ, người ta đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự chỉ đạo của minh sư ngằm tránh những nguy hiểm cho người mới nhập môn muốn tự mình thực hành không có sự hướng dẫn.
Tham khảo thêm: Hatha Yoga là gì? Hatha Yoga cổ điển và Hatha Yoga hiện đại
II. Laya yoga
Chữ Laya có nghĩa là kiểm soát tâm trí (điều tâm), phần này chuyên chú về dạy điều tâm và đặc biệt sử dụng quyền năng của ý chí. Đối với những minh sư Ấn Độ, các môn Yoga là những bậc thang trên con đường tiến hóa..
Laya yoga chỉ được truyền dạy sau khi dạy cách điều tức hay dạy Hatha yoga ( cả thở ra và hít vào) khi người đệ tử đã thu được những kết quả trực tiếp về điều thân, có một sức khỏe tốt để tiến sâu vào những môn khác.
Trong Laya yoga có chia ra bốn môn nhỏ tùy theo cách thức tập để yogi có quyền năng điều khiển tâm trí:
1. Bhakti yoga và Sakti yoga
Xét về mặt tâm lý và coi Yoga như một tổng thể thì Bhakti yoga là sự nối liền bằng cách tập trung tư tưởng vào tình thương.
Tiếng Phạn Bhakti có nghĩa là tập trung tư tưởng vào một điểm duy nhất, vì thế Bhakti yoga được coi là một bộ phận của Laya yoga.
Sakti cũng là một phần của Laya yoga, có nghĩa là kết hợp, nối liền bằng phương pháp tập trung tư tưởng vào quyền năng thiêng liêng được hình dung dưới khía cạnh âm( hay nữ) của những lực tâm linh bao trùm khắp vũ trụ. Trong Yoga chữ Sakti thường được hiểu là Phật Mẫu. Còn khía cạnh dương (hay nam) thì được nhân cách hóa bởi nửa nam của vị thần lưỡng tính (bán âm, bán dương). Tính cách nhị nguyên này giống như triết lý âm dương của Lão Tử và tương tự giáo lý Jum-Jab của Lạt ma giáo, phần âm ( hay là Jum) là tính nữ của thiên nhiên, còn phần dương ( hay là Jab) là tính nam. Có nhiều đặc tính tương tự giữa Sakti của người Ấn với Sophia (nền minh triết của chủ nghĩa duy lý) và nền minh triết của Bát Nhã Ba La Mật, cả ba đều tượng trưng cho khía cạnh nữ của thần thánh.
Trong Bhakti yoga tập trung trí tuệ vào một điểm duy nhất được thực hiện bằng cách tập trung Yoga vào tình yêu thiêng liêng là Bhakti, còn trong Sakti cũng đạt được kết quả tương đương nhờ sự tập trung vào quyền năng thiêng liêng là Sakti.
2. Mantra yoga và Yantra yoga
Trong Mantra yoga là cách sử dụng khéo léo những Mantra (thần trú) gồm những chữ và những âm có quyền năng thần bí mà yogi dùng để xác lập một mối liên lạc thần giao cách cảm và thậm chí dùng để xác lập mối liên hệ mật thiết hơn với các vị thần mà yogi cầu xin sự phù hộ trong những bước cố gắng Yoga của mình. Trong Yantra yoga thì yogi dùng những Yantra hay những biểu đồ hình học có ý nghĩa huyền bí. Còn Mudra yoga là một nhánh của Yantra và nó dựa trên việc sử dụng bằng Yoga những dấu hiệu huyền bí, các dấu hiệu này thường được phát ra bằng những cử động của bàn tay, của toàn thân và ở một trình độ thấp hơn thì bằng những biểu tượng huyền bí ít nhiều có tính cách hình học.
Mantra yoga và Yantra yoga (chủ yếu dưới dạng Mudra yoga) có một vai trò khá quan trọng. Hai phương pháp nói trên được sử dụng để cầu xin các quyền năng tâm linh trong các buổi lễ nhập môn của Lạt ma giáo. Vì hai phép Yoga trên phụ thuộc vào những quán tưởng Yoga và do đó chịu sự kiểm soát của tâm trí, nên chúng phải được xem như những bộ phận đặc biệt của Laya yoga cũng như Bhakti yoga và Sakti yoga.
Trong Siva Samita của Ấn Độ có nói rằng, Yoga gồm 4 loại: Mantra yoga là loại đơn giản nhất và dễ thực hành nhất, được tách rời với Laya yoga và xếp thứ nhất theo thứ tự các Yoga, trước cả Hatha yoga. Yoga có 4 loại: 1. Mantra yoga; 2. Hatha yoga; 3. Laya yoga; 4. Raja yoga - Yoga này loại trừ nhị nguyên luận.
Trong Siva Samita cũng nói rằng, Nada yoga là một loại Mantra yoga của Patanjali có nói đến trong Yoga sutra, như một khía cạnh của Yoga phụ thuộc vào sự tập trung tư tưởng vào một trong những cảm giác của cơ thể và như Sahda yoga (Yoga của cảm giác về âm thanh) là phần tối ưu của Laya yoga. Patanjali giải thích rằng, nhờ một cảm giác bất kỳ mà một âm thanh nội tại được cảm nhận bằng cách dùng các ngón tay bịt hai lỗ tai (ngón tay là một loại Nada hay Sahda) và đạt được sự tập trung tư tưởng. Trong các tác phẩm khác bằng tiếng Phạn về Yoga thì quá trình này được gọi là Laya yoga.
3. Những hạn chế của Laya yoga
Laya yoga phải được coi chủ yếu như là một phương pháp để đạt được sự kiểm soát trí tuệ của con người bằng Yoga. Xếp như vậy, việc sử dụng đúng đắn Laya yoga cũng như Hatha yoga chỉ đơn giản như là sự chuẩn bị. Môn đồ của Hatha yoga cũng như Laya yoga có thể tạo cho mình một trạng thái ngừng hoạt động mà yogi rất thường nhầm lẫn khi cảm nhận nó như là sự giác ngộ tâm linh cao. Trạng thái này chỉ được thực hiện trong cơn xuất thần của Samadhi tối thượng. Nếu yogi bị ám ảnh bởi sự nhẫm lẫn này như thường xẩy ra đối với nhiều người thực hành hai môn Yoga cấp thấp này, hành giả sẽ không tiến bộ trên con đường tâm linh, không vượt qua để tới một trình độ kỷ luật nhất định và một sự hiểu biết sâu sắc về những quyền năng tâm linh của chính mình. Lời cảnh cáo này có thể áp dụng cho tất cả các môn Yoga nằm trong Laya Yoga.
Tuy nhiên, Laya yoga cũng như Hatha yoga có thể hỗ trợ rất lớn cho những yogi có bản lĩnh và sẵn sàng tận dụng chúng. Các yogi vĩ đại đã thực hành các môn yoga này để đạt tới giải thoát và chỉ sử dụng chúng như một phương tiện để chuẩn bị đi lên những pháp môn yoga cao hơn. Theo Patanjali, những ai hy sinh hay đem những quyền năng trí tuệ của mình phụ thuộc vào thiên nhiên (Prakriti hay Sakti) hay lệ thuộc vào những người được thần thánh hóa đã quá cố (ví dụ như Krishna hay Jesus), chắc chắn sẽ khiến bản thân mình phải trở lại thế gian một cách vô hạn định. Mục đích của các môn Yoga cao cấp hơn mà giờ đây chúng ta sẽ xem xét là thúc đẩy sự tiến hóa của con người, vượt qua ảo ảnh giả tạo của cuộc sống thế gian này, để tiến tới chấm dứt nghiệp quả gây ra sự tái sinh trong kiếp người. Như vậy, nếu có thêm một hóa thân trên hành tinh này thì người được lựa chọn đó phải có một tâm thức cao và có quyền năng sau khi đã đạt tới chiến thắng lớn lao và như vậy đối với nhân loại trên Trái Đất này lại có thêm một người dẫn đường đi đến cứu cánh Niết Bàn.
III. Dhyana yoga
Dhyana yoga là một bộ phận Yoga dựa trên thiền định dẫn đến khả năng kiểm soát tâm trí. Như vậy nó riêng biệt, vì nó hoàn toàn không liên quan gì với bất cứ môn Yoga nào khác, nhưng lại là một sự thực hành cơ bản của các môn Yoga khác. Việc làm chủ được Dhyana yoga là một trong những điểm cơ bản cần thiết để thành công trong môn Yoga cao cấp hơn hết là Samadhi yoga.
IV. Raja yoga và những sự phân chia của nó
Danh từ Raja có nghĩa là “tối ưu”, “vương giả”, “tối thượng”. Như vậy, Raja yoga là phần tối ưu trong Yoga. Đó là sự nối liền hay hợp nhất bằng một phương pháp vương giả hay tối ưu. Raja yoga là môn tối ưu vì nhờ nó mà yogi đạt được sự chứng nghiệm cá nhân, hiểu biết về chân lý trong ý nghĩa của câu châm ngôn Hy Lạp: “ Tự mình hãy biết mình”.
1. Jnana yoga
Jnana yoga là một bộ phận của Yoga phụ thuộc vào tri thức thiêng liêng hay sự hợp nhất bằng phương tiện nhìn vào nội tâm của Yoga. Nói cách khác, việc cá nhân đạt được sự hiểu biết bản chất thật của sự tồn tại bằng cái nhìn nội tâm qua phương tiện Yoga là kết quả của Jnana yoga, là một phần cơ bản của Raja yoga.
2. Karma yoga
Trong danh từ Karma yoga thì “Karma” tiếng Phạn có nghĩa là “hành động” và đặc biệt là hành động nào dẫn đến sự giải thoát. Như vậy, nó có nghĩa là một hành động đúng, cho nên Karma là sự gắn kết hay hợp nhất bằng phương tiện của hành động Yoga đúng đắn. Vì hành động là một bộ phận của các bài tập Yoga cho nên Karma yoga cũng như Dhyana yoga là nền tảng của toàn bộ Yoga. Karma yoga được coi như bao gồm tất cả các môn Yoga khác.
Nói về những người tập Yoga tự gọi mình Karma yogi là để phân biệt với các yogi thực hành một kỹ thuật khác với họ, tuy nhiên người ta cũng có thể nói rằng, Karma yoga cũng như Hatha yoga và Laya yoga, đều có thể được phân loại như một nhánh đặc biệt, thay vì coi nó là chứa đựng tất cả Yoga. Karma yoga theo cách phân loại này phụ thuộc vào sự từ chối các kết quả hành động của chính mình trong ý nghĩa được chỉ dẫn trong kinh Bhagavat- Gita. Điều này dẫn đến sự vượt qua cá nhân và đạt tới sự xóa bỏ mọi ý nghĩ tách rời của cái Tôi, trong khi yogi hành động tích cực trong thế gian với toàn bộ năng lượng của mình (cũng giống như những kẻ có nhiều mục đích tham vọng trên thế gian) và cống hiến cho lợi ích của nhân loại. Vì đây cũng là một phương pháp vương giả cho nên Karma yoga có thể được xem như một khía cạnh của Raja yoga. Cuộc đời của các giáo chủ lớn như Đức Phật và Chúa Kitô có thể là ví dụ lý tưởng của Karma yoga.
3. Kundalini yoga
Đối với những Yogi đi theo con đường Mật Tông thì Kundalini yoga là pháp môn yoga tối thượng. So với pháp môn Raja yoga không dùng phù chú, pháp môn Kundalini còn có mối liên hệ trực tiếp nhiều hơn đối với phần lớn các văn bản của Mật Tông. Bằng phương tiện của Bhakti yoga, yogi Mật Tông có được kỷ luật thân thể và trí tuệ rồi khi ấy mới bắt đầu nhiệm vụ cao quý là thức tỉnh những gì còn đang ngủ hay là những quyền năng bẩm sinh thần thánh trong bản thân mình, được nhân cách hóa như nữ thần Kundalini đang ngủ. Lần lượt từng trung tâm của tâm linh hay Chakra trong thân thể được đưa vào một hoạt động chức năng khi nữ thần thức tỉnh trên tòa sen “ Munladhara chakra” nằm ở vùng xương cùng cuối cột sống và rồi từng chakra một dâng lên để gặp gỡ Sakta của mình, vị chúa tể Siva ngồi trên ngai của charka thứ 7 trong tòa sen nghìn cánh Sahasrara padma ở trung tâm của não, khi ấy do sự xuất hiện huyền bí của Sakta và Sakti mà yogi đã giác ngộ và đạt được cứu cánh.
4. Samadhi yoga
Trong sự liên kết hay hợp nhất bằng phương tiện của trạng thái “vắng lặng” tức là “Samadhi”, yogi vượt qua cá thể của mình và tâm thức tiểu vũ trụ, dứt bỏ các dây liên hệ và hợp nhất với tâm thức đại vũ trụ.
Mục đích của yoga thực chất là biến đổi bản chất hữu hạn của con người thành bản chất thần thánh vô hạn bằng sự hợp nhất hay gắn kết cái “Tôi” thấp kém vào cái “Một”, gắn kết giọt nước với đại dương, kết quả tối cao này mà những người theo huyền môn châu Âu gọi là sự giác ngộ và những Phật tử gọi là Niết Bàn.
KẾT LUẬN
Có một vài nhánh phụ nữa của yoga có thể kể ra đây nhưng mỗi nhánh chỉ là một khía cạnh chuyên môn hóa của một trong những loại yoga trên đây.
Vì Dhyana Yoga là chung cho tất cả các loại Yoga nên người ta có thể rút ngắn bảng phân loại này, còn ba loại: Hatha yoga, Laya yoga, Raja yoga.
Mỗi loại đều dẫn đến sự hoàn thiện và sự kiểm soát chắc chắn một trong ba khía cạnh của con người: con người vật chất, con người trí tuệ, và con người tâm linh. Như một hệ thống chia thành ba phần trong đó. Mỗi phần liên kết với một trong ba bộ phận cơ bản của con người: tiểu vũ trụ; như vậy, Yoga là khoa học duy nhất toàn diện về tâm lý con người mà chúng ta biết được. Tâm lý học phương Tây hiện còn chưa đến mức già dặn để có thể được coi là một khoa học bao trùm tất cả những gì có liên quan đến con người theo nghĩa của Yoga.
Yoga như một toàn thể thống nhất, có thể được xem như một phương pháp hữu hiệu và khoa học để pháp triển 3 mặt bản chất của con người bằng phương tiện tập trung tư tưởng vào những chức năng tâm sinh lý khác nhau, các quyền năng trí tuệ và các lực tâm linh được chứng nghiệm bên trong và bằng phương tiện của cơ thể con người. Phù hợp với việc thực hành một pháp môn Yoga sẽ có một sự tiến bộ nhất định, nhưng như các đại sư đã dạy chúng ta: tất cả các loại Yoga đều cần thiết trong những kiếp quá khứ và sẽ cần thiết trong các kiếp hiện tại và vị lai, đối với tất cả những ai đã đạt hay cần phải đạt sự chinh phục chính mình. Như vậy tùy theo sự phát triển hiện tại của đồ đệ trong các kiếp quá khứ và ngay trong kiếp này, minh sư sẽ xác định loại Yoga nào thích hợp nhất đối với học trò của mình. Có trường hợp thường xẩy ra là: “Trong số đệ tử cùng học một sư phụ không có đến hai người cùng thực hành đồng thời một pháp môn Yoga”.
Cũng như vậy, mỗi người đọc tập sách này, nếu chịu phân tích tỉ mỉ tâm trạng của chính mình, sẽ cảm nhận một sự hấp dẫn tự nhiên đối với một trong những khía cạnh của Yoga hơn là đối với môn khác và sẽ có xu hướng tự nhiên chọn lựa khía cạnh này và tập trung vào đó hơn là thực hành toàn bộ những cái khác. Mong độc giả luôn luôn nhớ lấy lời dặn này của minh sư đối với người mới nhập môn, “Hãy vội vàng một cách từ từ và hành động với sự khôn ngoan”.
Sưu tầm (chưa rõ nguồn).