Trước khi bi bô tiếp về yoga, tôi phải thống nhất một quan điểm với các bạn là nếu các bạn không lai nhiệt tình là tôi giận tôi không viết nữa đâu đấy ;)mà tôi mà giận là giận lâu phết đấy.
Bài liên quan:
- Yoga và các thứ các thứ... (phần 1)
- Yoga và các thứ các thứ... (phần 2)
- Yoga và các thứ các thứ... (phần 4)
Như này, người Ấn cổ có một lý thuyết như sau, nếu bạn nhặt một hòn đá lên và ném nó đi, giả thiết là hòn đá không va chạm phải vật nào trên suốt đường bay của nó và nếu bạn sống đủ lâu, một ngày đẹp trời hòn đá sẽ quay lại tay bạn. Khoảng hơn 5000 năm sau, Albert Einstein nhà vật lý lừng danh của thế kỷ 20 cũng phát biểu một nguyên lý tương tự: nếu ta bắn một viên đạn vào hư vô, viên đạn đó sẽ quay trở lại với ta, sau khoảng 600 năm gì đó.
Schopenhauer, triết gia người Đức viết cuốn sách nổi tiếng Thế giới như là ý chí và biểu tượng khi mới 30 tuổi, cuốn sách đã đặt ra và giải quyết một phần quan trọng của triết học và trở thành nguồn cảm hứng cho một loạt những tên tuổi lớn của triết học và tâm lý học sau đó như Nietzsche, Freud, Wagner, Wittgenstein... toàn bộ tư tưởng trong cuốn sách được lấy từ Unpanishads (Áo nghĩa thư)
Claude Levi - Strauss, nhà dân tộc học có những đóng góp lớn lao cho nhân loại, trong chương cuối cùng của một cuốn sách (Nhiệt đới buồn) kể về những chuyến đi điền dã nghiên cứu những tộc người trên khắp thế giới, ông đứng bên bức tượng Phật và tuyên bố đại khái thế này: cuối cùng thì tất cả những chuyến đi cho khoa học của tôi, tất cả những góp nhặt và nhận thức của tôi có được cũng không có gì nằm ngoài những điều người đàn ông này (đức Phật) đã từng suy nghĩ khi ngồi dưới gốc cây bồ đề năm nào.
Đọc đến đây, các bạn đừng vội qui kết tôi đang dùng mấy dẫn chứng đó để ca ngợi yoga và ảnh hưởng của nó. Cũng đừng trách móc tôi lôi mấy cái tên loằng ngoằng ra doạ các bạn, tôi cũng chả hiểu thực sự mấy ông đó nói gì đâu.
Vậy ra, con người, bao lâu nay, lâu phết, cái gọi là homo sapiens từ lúc xuất hiện cho đến giờ, các triết gia, chiêm tinh học, tiên tri, khoa học, tôn giáo, chính trị, văn thơ nghệ thuật, kinh tế học, nhân học, tâm lý học... các thứ các thứ cũng chỉ để chăm chăm tìm hiểu và giải quyết một số vấn đề cơ bản mà thôi. Đó là vấn đề cơ bản gì, các bạn cũng đừng hỏi tôi, tôi không nói đâu.
Đời người, ngoài thứ hành trình tất yếu là sinh - lão - bệnh - tử, còn có một hành trình khác, hành trình bên trong, hành trình nội tại. Nó làm cho con người ta tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại của mỗi cá nhân. Hơi buồn tị phải nói luôn, không mấy người đi được tới đích trên hành trình này trong một kiếp người. Chúng ta mải chơi quá, sa đà vào luyến ái, danh vọng, vật chất và quyền lực. Chúng ta ghé chơi quá lâu với những thứ phù du. Vì vậy, chúng ta lạc đường và vong thân, chẳng đến được cái đích cuối cùng, hehe, Chân Ngã (cái này tiếng Phạn gọi là Atman, anh giai Schopenhauer đặt tên cho con chó cún của anh í là Atman)
Vẫn chưa thấy có gì là giô ga giô giếc ở đây nhở :D thế để nói tiếp về hành trình nội tại vậy. Nhiều người nhầm lẫn việc đi tìm chính mình bằng cách đấu tranh cho nhân loại, cho công bằng bình đẳng bác ái. Không phải cứ làm từ thiện thật nhiều thì thành mẹ Teresa cả đâu. Nhân loại không cần chúng ta cứu rỗi, thế giới bao gồm cả tốt xấu vẫn tồn tại theo qui luật riêng của nó tự sinh tự diệt, chứ không phải bằng ý chí hay hành động của một tập thể hay cá nhân nào cả :D
Vì thế í mà, muốn đi đến đích, trên con đường nội tâm ấy, ngoài việc ăn uống sinh hoạt điều độ, đi ị đúng giờ (cái này cực quan trọng) chúng ta không cần phải cố gắng phấn đấu trên bẩy phẩy 3 môn văn toán ngoại ngữ. Cũng không cần phải đọc hết tất cả sách của nhân loại, càng không cần phải tập giô ga các thứ các thứ để có vòng eo 58 :D không cần phải tụng kinh gõ mõ, không cần phải học Phật pháp để đi doạ nghiệp quả với những đứa không làm mình hài lòng, không cần phải ăn chay, không cần phải yêu hoà bình ghét chiến tranh yêu màu trắng ghét màu đen, các thứ các thứ... không cần thiết. Thế chúng ta phải làm gì nhở?
Tin vui cho chúng ta (gồm cả những người ăn thịt chó và không ăn thịt chó), cũng theo thuyết của các văn bản Ấn cổ, nhân loại chúng ta đang ở vào thời kỳ Kali, được coi là thời kỳ đen tối nhất, thời kỳ mà giá trị chân chính chỉ còn một phần tư, đói khát, tội lỗi, hung bạo hoành hành, đầy rẫy khổ cực, niềm tin tiêu vong và chẳng còn mấy người thực hành nghi lễ. Loài người sẽ đi qua thời kỳ đen tối này để đến một thời kỳ mới với tâm thức bừng sáng hơn (tức là số người đến đích nhiều hơn) không còn giết lẫn nhau và huỷ hoại môi sinh nữa.
May thế, hihi, thế thôi, chả lo nữa, còn chờ gì nữa mà không ra ngoài ban công ngắm mưa rơi thôi. Chẳng mấy đâu, tính theo thời gian của Thần (tức là thời gian của ngườii ngoài hành tinh, cái bọn có đĩa bay í) thời kỳ Kali này sẽ kéo dài khoảng 1200 năm thôi. 1200 năm thần tức là nhân với 360 năm (1 năm thần bằng 360 năm bọn thằng người chúng mình) ai có máy tính tính hộ đi. Thật, cũng chả mấy chớp mắt.
Mượn câu hát của nhạc sỹ họ Trịnh kết cái tút, túm cái váy lại vậy.
Tôi như đứa trẻ ngồi bên hiên nhà chờ mong thế kỷ tàn phai.
---
Xin về từ FB Hoa hậu VN 1994 Nguyen Thu Thuy
;
)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét