Trong yoga, trồng chuối được gọi là "tư thế vua" và cây nến được gọi là "tư thế hoàng hậu". Đã là yogi/yogini, ai cũng mong muốn chinh phục "tư thế vua" này còn quan điểm của mình về tư thế trồng chuối sẽ xét trên 7 khía cạnh sau:
1. Tạo hoá sinh ra cơ thể của chúng ta, từ trực quan đã thấy, cổ chỉ có chức năng đỡ cái đầu mà thôi. Trọng lượng bình quân của đầu khoảng 4-6kg. Khi chúng ta trồng cây chuối, sẽ không gây hại cho cổ nếu chúng ta biết chia lực đúng và đều lên 2 tay sao cho 2 tay đỡ 90% trọng lượng của cơ thể, cổ chỉ đỡ 10%. Muốn cổ chỉ đỡ 10% trọng lượng của cơ thể thì cơ thể của bạn không được uốn, không được bẻ cong mà từ gót chân xuống tới đỉnh đầu cần tạo thành một trục thẳng đứng. Vậy nên, khi bạn thực hành các tư thế biến tấu đi, tất nhiên cổ của bạn sẽ phải chịu lực hơn 10% và gây hại cho cổ, vai, gáy nói riêng và cột sống nói chung rồi.
2. Một tài liệu yoga cổ xưa mình đọc được đã chỉ ra rằng: Khi bạn trồng cây chuối, áp lực xuống nhãn cầu sẽ tăng gấp 2 -3 lần so với bình thường. Do đó, nếu bạn trồng chuối quá nhiều lần mỗi ngày, trong vòng 5 năm, mắt bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mù loà. Chính vì vậy, trường phái Ananda Marga không cho phép trồng chuối khi thực hành yoga. Năm 2017, mình có cơ duyên gặp và dùng cơm chay cùng thầy tổ của trường phái này và trong buổi toạ đàm, mình có được nghe thầy chia sẻ về tư thế trồng chuối. Thầy đã hơn một trăm tuổi, nhiều người nói thầy là người đầu tiên đưa yoga vào Việt Nam.
Tham khảo thêm: Làm thế nào để giảm bớt áp lực máu trong đầu khi thực hiện tư thế đứng bằng đầu - Headstand?
3. Các bạn quan sát sẽ thấy, nhiều bạn trẻ tập hip-hop, họ cũng đội mũ bảo hiểm khi trồng chuối để bảo vệ đầu, trong khi nhiều yogi, dù ở bất kỳ địa thế nào, họ cũng trồng chuối được, kể cả nhiều mẹ bầu, thậm chí bầu lớn rùi, tam cá nguyệt cuối rồi mà vẫn ham trồng chuối.
4. Trồng chuối rõ ràng là có tác dụng lớn trong việc đưa oxi máu về não, cải thiện giấc ngủ, thậm chí có thể "hô biến" tóc bạc thành xanh trở lại, da dẻ trở nên hồng hào, cũng trị liệu tốt cho người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân vì khi chân được đưa lên vị trí cao hơn tim, máu sẽ được đưa chủ động từ tĩnh mạch trở về tim. Tuy nhiên, đây là một tư thế chống chỉ định nếu bạn bị thoái hoá đốt sống cổ hay gặp các vấn đề về tim mạch, huyết áp cao/thấp. Để đảm bảo an toàn cho học viên trong tập yoga trị liệu, mình thường thay thế "tư thế vua" này bằng "tư thế hoàng hậu", tức là tư thế cây nến hay còn gọi là tư thế đứng trên vai ấy. Tác dụng của 2 tư thế này trong trị liệu khá tương đồng, có thể thay thế cho nhau nhưng tư thế cây nến an toàn hơn nhiều.
5. Nếu bạn thực hiện tư thế trồng cây chuối sát giờ ngủ thì giấc ngủ của bạn sẽ không được cải thiện mà còn gây nên hiện tượng mất ngủ. Vì sao vậy? Vì ở tư thế chúc ngược này, máu oxi lưu thông từ tim về não quá nhanh, quá nhiều, quá đột ngột sẽ khiến cơ thể phản ứng không kịp thời, gây choáng, dây thần kinh bị kích thích quá độ, tạo nên sự hưng phấn giống như cảm giác tỉnh táo ảo khi bạn uống cà-phê hay hút thuốc lá và bạn rất khó ngủ.
6. Trước khi tập tư thế trồng chuối, bạn cần tập ngã trước nhé! Bởi đây là tư thế thăng bằng chúc ngược rất khó. Nếu chẳng may bạn mất thăng bằng, có xu hướng ngã, bạn hãy thả lỏng cơ thể ra để muốn ngã đi đâu thì ngã. Trong trường hợp này, nếu có ngã và bị chấn thương thì bạn cũng chỉ bị chấn thương phần mềm thôi. Nếu bạn gồng cứng cổ lại mà ngã, sẽ dẫn đến chấn thương nghiêm trọng là gãy cổ đó. Một đồng nghiệp của mình đã gặp chấn thương nghiêm trọng này và phải bỏ nghề và mang dị tật vĩnh viễn.
7. Trong tập luyện yoga, có hai nguyên tắc sau bạn cần lưu ý: có cho đi- có trả lại, có co - có duỗi. Vì vậy, sau khi lên thế trồng chuối chỉ một lần thôi, bạn cần về luôn tư thế em bé để "trả thế" giúp điều hoà huyết áp, tim mạch, đưa cơ thể trở về trạng thái cân bằng nhanh nhất. Nếu bạn thực hiện liên tục nhiều lần rồi mới "trả thế", sẽ vô cùng nguy hiểm đến cả tính mạng. Thậm chí, nhiều bạn thực hiện xong, quên hoặc "không thèm" trả thế.
Một vài chia sẻ cá nhân trong giới hạn kiến thức của mình, hi vọng giải đáp được một phần nào đó những thắc mắc, bối rối của các bạn để các bạn có giải pháp, phương pháp hợp lý cho việc tập luyện của bản thân nha!
Tham khảo thêm: Tư thế Đứng bằng đầu (Headstand) dưới góc nhìn khoa học.
---
Chép lại từ FB Trần Thủy Yoga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét