Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Câu chuyện về chấn thương do tập Yoga

Câu chuyện về chấn thương do tập Yoga

Thời gian gần đây, Hương Anh được nghe nhiều câu chuyện về chấn thương do tập Yoga. Nhưng điều ngạc nhiên là mọi người rất ít khi công khai chia sẻ về câu chuyện của mình. Phần lớn đều lặng lẽ đi chữa trị. Có lẽ một phần vì yoga luôn được khoác lên mình chiếc áo “yoga chữa bách bệnh” nên mọi người cảm thấy ngại khi phải nói câu “mình bị chấn thương vì tập yoga”????

Đồng thời những hình ảnh tư thế yoga tràn lan trên mạng xã hội khiến nhiều người nghĩ rằng yoga là ép dẻo, xoạc dọc thôi chưa đủ mà kê thêm vài cục block nữa mới là đỉnh cao. Yoga là lên đầu đứng...v.v trong khi đây là 2 tư thế mình còn không tập và không dạy cho học viên của mình. Và vì được đóng khung những hình ảnh như vậy về yoga cộng thêm sự tin tưởng với giáo viên vì thầy cô làm được và “nhìn vẫn khỏe mạnh” thì mình cứ tin và tập theo. Nên khi bị ép, bị nhấn vào các tư thế thì đau cũng không sao, “no pain no gain” mà.


Passive adjustment – chỉnh sửa bị động được dùng để chỉ hành động của người giáo viên tiếp chạm trực tiếp đến cơ thể người học viên, trợ thêm lực để ép, nhấn, kéo, bẻ khi học viên đang thực hiện tư thế. Đây là phương pháp cần phải hạn chế và thật cẩn trọng khi áp dụng chỉnh sửa cho học viên.

Vì sao nên hạn chế và tốt nhất là không dùng tới chỉnh sửa bị động - passive adjustment?

Thứ nhất: Không có đủ thông tin về tiểu sử, tình hình sức khỏe và hiểu biết về cơ thể học viên. Một lớp ở studio số lượng học viên có khi lên đến mười mấy - hai mươi người, trong đó có những học viên đi tập vãng lai, người giáo viên đôi khi còn chưa kịp biết hết tên của học viên trong lớp mình đang hướng dẫn, cùng với thói quen của người Việt ngại chia sẽ, ít trao đổi các vấn để của mình cho giáo viên nắm rõ khi đến lớp Yoga. Mọi người xem hình minh họa bên dưới chỉ là một động tác đơn giản như tư thế em bé thôi, lực tác động không đúng chỗ cũng đã có thể gây nên những tổn thương thầm lặng cho cơ thể rồi.

Thứ hai: Các phương pháp điều chỉnh với mục đích ép để học viên vào tư thế sâu hơn đã lỗi thời, việc chỉnh sửa này đi ngược lại hầu hết các nghiên cứu hiện tại về cách phát triển khả năng vận động lành mạnh. Nó đã tạo ra một hiểu lầm rằng các cơ thể đều giống nhau, đều có thể vào được các tư thế một cách hoàn chỉnh với quan điểm “no pain no gain” mà quên đi rằng mỗi cơ thể đều là duy nhất và không cơ thể nào giống cơ thể nào. Việc ép học viên vào tư thế “chuẩn” giống như mình đang đi từ ngoài vào, trong khi để học viên tự chủ động vào thế với lời hướng dẫn thì sẽ là đi từ trong ra và hoàn toàn tôn trọng tình trạng cơ thể của học viên ở thời điểm hiện tại.

Cơ thể cũng có tầm vận động (ROM) chủ động và bị động. Sự khác biệt giữa tầm vận động bị động và chủ động càng lớn thì khả năng chấn thương càng cao. Khi luyện tập với sự tác động, nhấn, ép, kéo từ bên ngoài quá nhiều và làm tăng khoảng cách giữa tầm vận động bị động với chủ động, đưa cơ thể vào tầm vận động mới mà nó không có nhiều thông tin “lưu trữ” nó cũng sẽ không có những biện pháp để bảo vệ an toàn của cơ thể.

Thứ ba: Cho dù giáo viên cố ép cho học viên vào thế, thì đó không phải phương pháp luyện tập để giúp học viên tiến bộ. Cho dù mình bỏ qua những cảnh báo của hệ thần kinh và cho phép sự căng cơ, ép dẻo diễn ra, nhưng điều đó không có nghĩa là tư thế khi được ép sâu sẽ được lưu vào trí nhớ. Điều này có nghĩa là: việc giúp ai đó đạt được biên độ sâu hơn không giúp họ sở hữu biên độ mới có được đó, bạn không thể tăng tính linh hoạt và sức mạnh từ tác động vật lý bên ngoài, mà cần rèn luyện để có sự cân bằng giữa sức mạnh và dẻo dai từ bên trong.

Hãy nhớ, việc chỉnh sửa không phải để đóng khung cơ thể học viên với những góc cạnh nhất định mà chỉ mang tính chất dẫn dắt để học viên có mặt và cảm nhận tốt hơn cơ thể của mình.

Còn bạn, trong quá trình thực hành, trải nghiệm Yoga của mình đã từng gặp tình trạng này chưa? HA mong được đọc câu chuyện của các bạn và đồng thời cũng để lan tỏa yoga an toàn để yoga sẽ mang đến những lợi ích thật sự.
---
Chép từ FB Huong Anh Vu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét