Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

6 "bí kíp" bạn cần biết để có những tấm ảnh yoga đẹp



Đã tập yoga chắc hẳn bạn nào cũng muốn có những bức hình ghi lại các tư thế yoga của mình thật đẹp phải không nào? Và đây là 6 "bí kíp" mà bạn cần biết để có những tấm ảnh yoga đẹp như mơ.

Có thể bạn quan tâm:
1. Chọn đúng tư thế: Thông thường những tư thế khó là tư thế người ta thích xem nhất bởi vì chúng truyền cảm hứng và sự thử thách cho người xem. Tuy nhiên, lưu ý điều thứ 5 dưới đây khi chọn tư thế.

2. Địa điểm, địa điểm, địa điểm: Selfies ở những khung cảnh number one thì tấm ảnh của bạn cũng số dzách. Nếu như bạn không có thời gian du lịch để hòa mình vào những khung cảnh đẹp, bạn vẫn có thể chụp tại nhà hay studio của bạn. Chú ý dọn dẹp khung cảnh nền của bạn thật sạch sẽ và gọn gàng. Đừng làm người xem mất hứng vì quá nhiều sự lộn xộn trong tấm hình.

3. Diện thật đẹp: Nghe có vẻ hơi nông cạn nhỉ, có phải đi dạo phố hay dự tiệc đâu, nhưng bạn mặc cái gì người xem cũng chú ý đó. Đối với yoga selfies, điều quan trọng là giúp người ta thấy được rõ ràng hình thể của bạn. Nên mặc những bộ tập yoga ôm sát để giúp họ thấy được tư thế, cách tạo dáng. Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu việc thả like cho rằng những yogi vào thế trong trang phục bikini lại câu view tốt hơn các yogis mặc quần ống thụng (thật ra thì cứ mặc bikini thì có làm gì cũng được like mà).

4. Cách chụp:
Nếu không có ai hỗ trợ, bạn nên trang bị một cái tripod cho máy chụp ảnh. Tuy nhiên, không có cũng không sao, bạn vẫn có thể set thời gian chờ cho điện thoại hay camera rồi đặt chúng trên nền nhà, ghế, bàn hay bất cứ vật kê nào để có thể lấy được khoảnh khắc và toàn cảnh bạn muốn. Tuy nhiên cách này sẽ làm bạn thấy cập rập và lọng cọng khi phải cân chỉnh thời gian chờ rồi lại vội vàng vào thế. Nhưng mà tốt hơn hết vẫn là nhờ một người bạn thân thiết, người có thể kiên nhẫn chịu đựng việc bạn yêu cầu chụp đi chụp lại 180 lần với một tư thế giúp bạn. Như thế vừa an toàn vừa chủ động. Nếu người chụp ảnh có khiếu thẩm mỹ thì bạn sẽ sớm trở thành Vietnam’s next top yogi đấy.

5. Đừng cố quá rồi lại quá cố: Đừng ép cơ thể cho một động tác khó mà bạn chưa sẵn sàng thực hành. Hãy tôn trọng cơ thể và khả năng mỗi giai đoạn của bạn và tiến bộ dần dần. Nhìn tấm ảnh một động tác khó, bạn sẽ cảm thấy bị khiêu khích mau chóng thực hiện được như vậy. Nhưng hãy dành thời gian tập luyện dần dần trước khi tự tin vào thế và selfie.

6. Chúc vui: Khi đã thực hành yoga, bạn sẽ dễ dàng quên đi là mình đang quay video hay chụp ảnh bản thân. Đó lại là điều khá quan trọng đấy. Hãy nhớ: Bạn đang ở đó, lúc này, vui với yoga, và bạn chia sẻ điều đó với mọi người. Camera có thể chụp được thần thái vui tươi và tự tin của bạn và đem đến cho cộng đồng tấm ảnh xịn nhất của bạn.
---
Lược dịch và biên soạn lại từ tạp chí shape.com

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Yoga – Nơi tôi tìm được chính mình

Yoga – Nơi tôi tìm được chính mình.

Nếu ai đó hỏi lý do tại sao tôi lại tập yoga thì có lẽ tôi sẽ trả lời rằng: "duyên tới, yêu nó và đam mê”.
Chẳng bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ đến với yoga. Tôi còn nhớ như in, cái thời điểm cách đây hơn 2 năm, ngày tôi bước vào môi trường làm việc mới - là quản lý của một trung tâm thể hình và yoga lớn nhất Pleiku đến thời điểm đó. Nhiều điều bỡ ngỡ đối với tôi, khi còn đang loay hoay tìm cách học hỏi, trau dồi kiến thức về chuyên môn và quản lý. 

Đến với yoga chỉ là những buổi đi dự giờ lớp và những buổi đứng ngoài lớp xem giáo viên đứng lớp và số lượng học viên tham. Ở cái thời điểm đó, trong tâm trí tôi về yoga thật sự không quá xa lạ nhưng cũng ko quá gần.

Có lẽ nó chưa bén duyên đến với tôi, cho đến một ngày tôi gần như bị stress nặng, tôi đã tìm đến yoga và bước chân lên thảm tập. Tôi muốn thay đổi chính bản thân mình, muốn hoàn thiện hơn. Tôi bắt đầu tìm hiểu về nó, cùng với những chia sẻ tràn đầy nhiệt huyết của Cô em Trang Thỏ. Tôi đã bắt đầu bén duyên với yoga và tôi yêu thích nó hồi nào cũng không biết. 

Cám ơn em, người thầy đầu tiên đã cho tôi một nguồn năng lượng đến với yoga, một cô giáo trẻ. Tôi bắt đầu quý trọng mỗi giờ đến lớp, mỗi bài học. Đây chưa phải thời gian quá dài nhưng cũng đủ để tôi hiểu và yêu Yoga hơn. Tôi thích cái cảm giác ngồi hít thở trong các bài tập, tâm trí không suy nghĩ gì hết, chỉ tập trung vào hơi thở, nghe được hơi thở của chính mình, bình yên đến lạ.

Với ai đó niềm vui là những cuộc chơi, là những chuyến đi thì với tôi yoga là niềm vui trọn vẹn. Giống như một điểm tựa vững chắc, yoga giúp tôi yêu cơ thể của mình hơn, tôi thấy được năng lượng tràn đầy trên từng động tác. Tôi nhận ra được sự thay đổi rất lớn từ bản thân mình, vui vẻ và trẻ trung hơn, nụ cười cũng luôn nở trên môi. Tôi cũng tìm được những người bạn từ yoga. Tạm biệt những căng thẳng, những muộn phiền.
Tôi chỉ muốn nói rằng: “Tôi yêu Yoga”.
---
Chép lại từ FB Nhã Chinh Nguyễn

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

5 điều bạn cần biết về yoga



Mọi người thường nói, "Tôi muốn thử Yoga. Nó có vẻ tuyệt vời, nhưng tôi sợ rằng cơ thể tôi không linh hoạt”. "Vâng, đó là lý do đầu tiên để tôi giúp bạn đến lớp tập Yoga, và chúng ta còn có thêm một vài thứ nữa để cùng đạt được sau này và nó rất thú vị cho cuộc sống của bạn”.

Có thể bạn quan tâm:
1. Tăng tính linh hoạt.

Thực hành yoga một cách thường xuyên sẽ cho bạn sự linh hoạt. Bạn có thể sẽ không thực hiện việc tập luyện đều đặn và chia tay lớp học sau vài tháng luyện tập, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên về việc cơ bắp của bạn đã nới lỏng bao nhiêu. Các cơ căng, đồng thời cơ thể mềm dẻo hơn là mục tiêu và thành quả lý tưởng bạn đạt được; chúng giúp ngăn ngừa thương tích trong quá trình vận động. Tốt hơn thế, Yoga có khả năng chống lão hóa tuyệt vời! Khi chúng ta già đi, màng nối (mô liên kết) của chúng ta bị kết chặt hơn, tập luyện Yoga giúp cơ bắp tiếp tục phát triển khiến cơ thể bạn được trẻ hóa toàn diện.

2. Cải thiện tâm trạng của bạn.

Nếu bạn bị stress từ công việc, gia đình, hoặc cuộc sống cá nhân của bạn, Yoga có thể giúp bạn. Nếu bạn đang chán nản và tìm kiếm một cách để có thể trở lại trên "đường đua" cuộc sống, Yoga có thể giúp banh. Nếu bạn đã có tâm trạng vui vẻ và không có vướng bận hay khó khăn gì, Yoga vẫn có thể giúp bạn tốt hơn!

Sự căng thẳng kích hoạt hệ thống thần kinh -đó là phản ứng gây ra phản ứng "chiến đấu hay từ bỏ" của bạn khi chẳng may bạn bị ốm. Thật không may, cơ thể chúng ta không biết sự khác biệt giữa việc cần phải chiến đấu dành lại cuốc sống hay buông bỏ cơ thể cho việc can thiệp từ bệnh viện. Phản ứng căng thẳng là một phản ứng không lường trước bằng sự việc hay cảm xúc. Yoga tắt nó bằng cách kích hoạt hệ thần kinh giao cảm của bạn. Thực hiện Yoga thường xuyên, bạn sẽ thấy rằng bạn không chỉ có tâm trạng tốt hơn trong và sau giờ học,làm việc,trong khi giao tiếp xã hội mà còn trong toàn bộ thời gian bạn sống.

3. Rút ra thói quen tập thể dục của bạn.

Bạn là người thích chạy? Một tay vợt? Một kiện tướng bơi lội… Cho dù bạn tập môn thể dục nào, kết quả hoạt động của cơ bắp cũng trở nên săn chắc hơn; nhưng bằng cách xây dựng tính linh hoạt của bạn bằng các động tác mềm dẻo kết hợp với thăng bằng và thể lực, Yoga giúp bạn kéo căng những cơ bắp đã bó chặt do chỉ vận động thể lực.

4. Xây dựng sức mạnh.

Sau khi tập luyện một chút, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn có thể giữ các vị trí lâu hơn bạn đã làm trước đó. Một khi bạn bắt đầu làm việc với các động tác linh hoạt và nâng cao, như sự văn xoắn và cân bằng cánh tay, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện lớn về sức mạnh trên của cơ thể. Các giai đoạn như Astavakrasana ( động tác nâng cao cho cánh tay) và Koundinyasana ( động tác cân bằng cho cổ tay và bàn tay) đòi hỏi sức mạnh cốt lõi; cơ ngực và toàn bộ cánh tay được vận hành trong suốt quá trình thực hành.

5. Ngủ ngon, lâu hơn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thực hành Yoga hàng đêm sẽ không chỉ giúp bạn ngủ thiếp đi nhanh hơn mà còn ngủ sâu hơn, do đó cơ thể bạn được hoàn toàn nghỉ ngơi tốt hơn vào ban đêm. Mặc dù bạn không nên thực hành chuỗi động tác khó và thể lực cao trước khi đi ngủ.
Chúng tôi sẽ sớm giới thiệu tới các bài những bài tập hữu ích trước khi đi ngủ. Những bài tập này được soạn thảo danh riêng cho buổi tối, và đây cũng là điều đặc biệt của Yoga trong trị liệu những vấn đề về mất ngủ.
Đây chỉ là một vài trong số các cách mà yoga có thể cải thiện cuộc sống của bạn. Việc thực hành thường xuyên cũng có thể giúp bạn điều chỉnh các tư thế, các chức năng, truyền cảm hứng cho bạn để ăn tốt hơn và cung cấp cho bạn một cảm giác cải thiện sức khỏe rõ ràng thông qua các bài tập bạn được thực hiện trong lớp.
Những ưu điểm và những điều tuyệt vời Yoga mang lại còn dài, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết trừ khi bạn thực sự cố gắng để tập yoga! Vì vậy, hãy tập Yoga ngay bây giờ.
-------------
Chép lại từ FB Zen Yoga

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

"Đam mê" dưới góc nhìn của một HLV Yoga


..."Đam mê", cụm từ nghe có vẻ xa xỉ đối với ai đó, nhưng với dân hlv Yoga thì đó là sự thật. 
Tôi biết, rất nhiều hlv từng đi dạy miễn phí hàng mấy năm trời, mặc dù đã từng lặn lội vào Nam, ra Bắc, thậm chí ra nước ngoài học hành, công luyện.

Có thể bạn quan tâm:
Có những cán bộ có chức, có quyền, ngoài giờ là đi dạy Yoga miễn phí, cho đến khi gặp tôi, tôi nói " Chị thu phí đi, ít thôi, nhưng mọi người sẽ nghiêm túc hơn trong việc tập luyện" 

Một hlv nam ở Hải dương tâm sự " em đã đi xe máy cả 90 km để dạy Yoga" 
Có chị bệnh ung thư, tập Yoga cải thiện được sức khỏe rồi cứ thế dạy miễn phí, gặp tôi chị nói "giờ chị thu chút phí rồi, đi dạy thêm các nơi xa hơn nữa, nhưng đi xe buýt cho đỡ mệt"...
Có hlv tuần 4-5 buổi đi xe giường nằm để đi dạy...
Có hlv kiên nhẫn dạy lớp có chừng 3-4 học viên....
Ngưỡng mộ họ! 

Mà tôi đâu cũng có thoát khỏi cái "nạn" đam mê đó? Xong lớp này, lao thẳng đến lớp khác, cứ ngày này qua ngày khác, mở mắt ra, 4h45 cho đến 22h thời gian Ko còn là của mình nữa, thích đến lớp, thích nhìn lớp tập, thích cái tiếng hít thở và hạnh phúc đến tột cùng khi mọi người tin tưởng...Còn thu nhập ư? Nhẩm nhanh là ra thôi, sao phải nghe ai nói? 

"Đam mê" không thể mang lên bàn cân để tính xem LỖ hay LÃI, ĐƯỢC hay MẤT, tuy nhiên cái ĐƯỢC sau sự đam mê thì đừng có hỏi! 

50k/ buổi là một trong những mức phí mà tôi vẫn đầy cảm hứng và hạnh phúc trong suốt 60 phút có dư...
---
Chép lại từ FB của Mai Thị Xuân Hong

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Giải phẫu cơ thể học (anatomy) trong yoga quan trọng hay không?




Giải phẫu cơ thể học (anatomy) trong yoga quan trọng hay không? Nên áp dụng định tuyến vào asana hay không? 

Với 10 năm tập luyện và gần 5 năm dạy yoga thì mình khẳng định điều đó cực kỳ quan trọng. Mình với một cơ thể khá dẻo đến với yoga với niềm đam mê và một thời gian dài chinh phục những thế yoga khó là mục đích tập luyện của mình😬(tạ ơn trời con chưa bị chấn thương). 

Có thể bạn quan tâm:
Thời gian tiếp xúc với yoga dài và nhìn thấy nhiều người bị chấn thương (học viên yoga và cả giáo viên) thì mình bắt đầu đi chậm lại. Nhìn lại cả chặng đường mình tập với nhiều trường phái yoga khác nhau, nhiều giáo viên Việt có, Ấn Độ có, Tây cũng có...mình thật sự muốn hiểu rõ hơn cách tập yoga thế nào cho an toàn, tìm hiểu về anatomy và định tuyến (nhưng thật sự chưa thông hiểu rõ). 

May mắn thay mình đã tìm được khóa học yogaworks của Mỹ do thầy David Kim dạy. Một khóa học theo mình là rất đắt nhưng xứng đáng với đồng tiền và thời gian mình bỏ ra để học vì thật sự hay và bổ ích. Khóa này học rất kỹ về cơ thể học. Học để hiểu chúng ta sinh ra với cấu trúc xương khớp khác nhau, độ dãn dẻo cũng khác nhau thì làm sao chúng ta cố làm các động tác, chân tay để giống nhau, hoặc giống giáo viên yoga (người có thời gian tập lâu hoặc có hệ xương khớp tốt)? 

Mình ngơ ngác với các khái niệm khớp bản lề, khớp chỏm, khớp cầu lồi; rồi các mặt phẳng ngang, dọc, trước, rồi thêm bao nhiêu là tên các nhóm cơ khi làm 1 tư thế mới hiểu ra sao mà khó thế, mới hiểu ra mình đã từng tập nguy hiểm thế nào khi để cơ thể mình chọn lựa hướng đi dễ, tận dụng những ưu điểm dẻo của cơ thể để vào tư thế và vô tình đặt mình vào nguy cơ chấn thương. 

Chấn thương trong yoga nhiều khi mình thấy ngay, nhưng nhiều khi nó là sự tích lũy dần theo năm tháng tập luyện sai, đó là lý do tại sao nhiều người càng tập càng đau lưng, đau vai cổ, đau đầu gối, cổ tay vì sự không hiểu về hệ xương khớp của mình, và về định tuyến trong yoga. 

Mình phải phân biệt rõ giữa cái đau ê ẩm của cơ khi tập luyện (thường là vài ngày) và cái đau nhói, đau buốt của sự chấn thương dây chằng, gân, khớp (kéo dài vài tuần vài tháng). Đặc biệt các bạn bị loãng xương, huyết áp, tim mạch thì nên tránh xa các tư thế khó, tư thế nâng cao. 

Và khi hiểu về cấu trúc xương khớp thì chúng ta thật sự thoải mái và tỉnh thức trong cách tập luyện. Định tuyến là sự thẳng hàng tự nhiên của xương khớp mà khi luyện tập lực được chia đều vào các nhóm cơ vững vàng để tránh chấn thương. 

Khi học về cơ thể học thì chúng ta cũng tránh được sự so sánh mình với người khác khi thấy sao họ dẻo thế, sao họ khỏe thế khi làm được nhiều tư thế khó, chúng ta sẽ hiểu rằng do cầu trúc xương của họ là vậy và có khi cả đời mình cố bẻ thì cũng không thể mở ra để làm giống họ được. 

Độ dẻo và độ khỏe sẽ được cải thiện theo thời gian tập luyện nhưng để giống được người với hệ xương khớp dẻo và chắc khỏe tự nhiên là rất khó. Mình sẽ yêu thương cơ thể mình, sẽ chấp nhận sự khác biệt của cơ thể mình như chúng ta chấp nhận màu da màu mắt khác nhau. 

Nhìn những tấm hình yoga đẹp mình ngưỡng mộ nhưng sẽ không bắt ép cơ thể đau đớn để làm được điều đó. Asana nên vững vàng và thoải mái, nếu chúng ta không tỉnh thức trong tập luyện thì chúng ta đang đẩy mình đến nguy cơ chấn thương. 

Chúng ta không nên đến lớp tập vì giáo viên này đẹp, giáo viên kia làm toàn tư thế khó. Chúng ta nên tìm hiểu và tập với giáo viên tận tâm và có kiến thức yoga tốt và điều quan trọng là cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà người giáo viên đó truyền cho mình. 

Yoga không phải là một tôn giáo; yoga không phải là asana với đứng đầu, đứng tay, bồ câu, con công... Yoga với lịch sử hơn 5000 năm là cả một hành trình rèn luyện tâm trí, giúp chúng ta tinh thần và thể chất tốt, giúp chúng ta thoát khỏi những dính chấp của mọi lo buồn, đau khổ thì một cuộc đua về các tư thế có đáng không? 

Thầy tôi luôn nói đúng sai trong yoga rất khó phân biệt, chỉ là mình hiểu được cơ thể mình được gì và mất gì khi vào tư thế để tập luyện theo sức mình. Mong sao các giáo viên đừng vì cái tôi của mình, đem cơ thể của mình để dạy cho học viên mà hãy hiểu cơ thể học viên cần gì, thiếu gì và giúp họ tiến bộ theo khả năng của họ. Khả năng của chúng ta là có hạn, tôi đã thức tỉnh mong bạn cũng thức tỉnh. 

Kiên trì tập luyện và đừng cố ép mình trong đau đớn là phương pháp yoga của tôi bây giờ. Đến bây giờ tôi nhận thấy hành trình kiến thức yoga còn dài lắm, và khóa học vừa rồi không phải là khóa cuối tôi học mà sẽ còn phải học nhiều nữa, không phải tôi mong là người giỏi nhất mà vì tôi trân trọng từng cơ thể của học viên tin tưởng đến với mình. 

Tôi yêu thương cơ thể tôi và cơ thể bạn, xin bạn cũng yêu thương cơ thể mình. Tập an toàn các bạn nhé😊.
---
Chép lại từ FB Uyen Quynh Pham

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Ai hưởng lợi từ việc cấp lại bằng cho huấn luyện viên yoga?


AI HƯỞNG LỢI TỪ VIỆC CẤP LẠI BẰNG CHO HUẤN LUYỆN VIÊN YOGA?

Thời gian qua cộng đồng Yoga trong cả nước đã phản ứng trái chiều trên các mạng xã hội và các diễn đàn về việc thay đổi bằng cấp từ quyết định của Liên Đoàn Yoga Việt Nam(LĐYGVN) đề ra. 

Ngày 30/3/2017, bất ngờ, Liên đoàn Yoga VN đã ra công văn 477 với nội dung như sau:
Đề xuất, bắt buộc các Huấn Luyện Viên(HLV) đang giảng dạy tại tất cả trung tâm, cơ sở yoga phải đi tập huấn do Liên đoàn Yoga VN (LĐYVN) tổ chức. Nhưng trước khi “được” đi tập huấn HLV đó phải hoàn thành xong 300 giờ dạy. Và sau khi tập huấn xong mới được cấp chứng chỉ hành nghề yoga cơ bản của LĐYGVN.

Để tìm hiểu thêm chi tiết PV Lao Động Việt có buổi tiếp xúc trò chuyện với Cô Duyên Anh, Huấn Luyện Viên Yoga (từng là huấn luyện tại công ty Trái Tim Vàng), và bây giờ là HLV tự do để tìm hiểu thêm thông tin tại sao có việc đưa ra thông báo này. Mục đích của việc chứng nhận lại chứng chỉ hành nghề của các HLV là gì ?

Cô Duyên Anh bức xúc nói: ”Trước khi chúng tôi đi dạy đều được đào tạo huấn luyện và tổ chức thi bởi Hội Dưỡng sinh HCM, sau đó nhận chứng chỉ mới được dạy, vậy tại sao bây giờ Liên đoàn Yoga buộc chúng tôi phải thay đổi bằng cấp với hình thức bắt đi tập huấn lại với mức học phí 7 triệu/7 ngày. Vừa phải ra điều kiện đã hoàn thành đủ 300 giờ giảng dạy. Vậy những giáo viên mới ra nghề chưa đi dạy làm sao có đủ 300 giờ để đi tập huấn và nếu họ không được tập huấn thì không được cấp chứng chỉ hành nghề. Lẽ nào giáo viên đó vĩnh viễn không bao giờ được đi dạy ???

Theo công văn này thì HLV đang làm việc phải hoàn thành 300 giờ dạy Yoga mới được đi tập huấn 7 ngày với giá 7 triệu. Các HLV đang lagm việc bức xúc về việc họ đã học xong với bằng cấp có đầy đủ giá trị, tại sao lại phải tập huấn lại để được cấp lại bằng ? Ai sẽ là người trả chi phí cho cuộc tập huấn đó? Nhưng điều bất cập nhất trong việc này là đòi hỏi người đi tập huấn phải có 300 giờ dạy chính thức. Thế thì những người mới ra trường, chưa dạy chính thức thì sẽ không được tập huấn. Và nếu không tập huấn thì không có bằng? Nếu vậy thì làm sao những học sinh mới ra trường này có thể hành nghề?

Cô Duyên Anh thắc mắc thêm:”Cơ quan có thẩm quyền nào chứng nhận cho giáo viên đó đã hoàn thành xong khóa dạy 300 giờ? tại sao phải có chứng nhận 300 giờ rồi mới được đi tập huấn mà chỉ cấp giấy chứng nhận hành nghề, điều này rất mâu thuẫn và khó hiểu đối với các huấn luyện viên yoga trong nước. Trong khi những đơn vị được phép chứng nhận cấp 300 giờ dạy là 1 trong 7 trung tâm thuộc liên đoàn yoga VN, vậy có tiêu chuẩn nào để chứng minh họ đủ đạt chuẩn để cấp chứng nhận cho các huấn luyện viên hay không? Ai giám sát việc cho việc này? cơ quan nào có thẩm quyền và đủ chuyên môn để giám sát họ?

7 trung tâm này gồm: 1.công ty Trái Tim Vàng-tp HCM, 2.công ty cổ phần Thể thao Quốc tế Việt Ấn, 3.Công ty Cổ phần học viện Yoga VN-HN, 4.Hội Yoga TP Hải Phòng, 5.Hội Thể dục dưỡng sinh TP HCM (chi hội Yoga TP HCM), 6.Trung tâm đào tạo Yoga TP HCM, 7.Trung tâm Hương Anh Fitness và Yoga HN.
Theo cộng đồng Yoga: ”7 trung tâm này hiện đào tạo HLV và cấp chứng nhận đã hoàn thành đủ 300 giờ dạy (họ đồng thời cũng là thành viên của Liên đoàn Yoga VN)
Trên FB, Phó chủ tịch LDYVN Lê Thị Tố Hải (hiện là chủ tịch Công ty Đào tạo HLV Yoga Trái tim Vàng) trả lời cho các HLV về công văn 477 như sau: “Nếu đơn vị kiểm tra phát hiện HLV nào chưa có bằng chứng nhận bởi Liên đoàn, thì HLV đó sẽ bị đình chỉ dạy đồng thời cơ sở Yoga nơi đó sẽ phải tạm đóng cửa”

Nhưng theo thông tư luật Yoga của bộ văn hóa Thông tin cho phép Tổng cục Văn hóa Thể thao thực hiện tập huấn Yoga trong phạm vi cả nước thì phải mất vài năm chứ không thể nào mới ra luật mà đi kiểm tra và phạt liền ngay được. Và thông tư của bộ VHTT không đề cập đến người được tập huấn phải hướng dẫn đủ 300 giờ dạy, và cũng không bị phạt hoặc ngưng hoạt động.

Trong khi Bộ VHTT chưa đưa ra bất cứ một văn bản nào để đình chỉ các chứng chỉ nghề của HLV Yoga được hội dưỡng sinh thành phố HCM, và hội Yoga VN đã cấp trước đó không còn tác dụng để hành nghề thì tại sao tổng cục thể thao – LĐ Yoga VN bắt buộc chuyển đổi chứng chỉ hành nghề Yoga, mà chứng chỉ chỉ có thời hạn 5 năm thôi. Với học phí cho đợt tập huấn này là 7 triệu/1 HLV trong thời gian 7 ngày.
“Sau khi phát công văn gửi đến cho các cơ sở bắt buộc HLV đi học thì 3 ngày sau một số trung tâm thuộc liên đoàn yoga đã chạy quảng cáo rầm rộ trên FB về việc nhận đào tạo HLV đồng thời cam kết học xong sẽ tạo điều kiện cho HLV đó được dạy đủ 300 giờ mới đi tập huấn, vậy mục đích của Liên đoàn Yoga đề ra 300 giờ là động cơ gì cho khóa huấn luyện này? ” Cô Duyên Anh nói.

Vì thế, các HLV Yoga thắc mắc: Tại sao Liên Đoàn Yoga VN bắt HLV phải được đào tạo đủ 300 giờ để đi tập huấn. Và ai là cơ quan đào tạo này? Chính các trung tâm Yoga thành viên của LĐYVN. Có phải đây là một cách để có thêm thu nhập của LĐYVN?
Ngoài ra, một câu hỏi cũng được đặt ra là: Trong Liên đoàn Yoga VN và tổng cục thể thao thì ai là người giám sát việc ra quy định này?

Với cương vị là phó chủ tịch Liên đoàn Yoga VN, bà Lê Thị Tố Hải đã đủ giảng dạy 300 giờ chưa? Ai chứng nhận và cơ quan nào là người cấp chứng nhận hành nghề Yoga VN cho bà và các thành viên còn lại trong LĐYGVN?

Câu trả lời còn lại dành cho những người có thẩm quyền .

Phóng viên LĐV
---
Chép từ trang FB Lao Động Việt

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Yoga - Tỉnh thức trong luyện tập asana!!!


Tỉnh thức trong luyện tập asana!!!


Note này viết ra với sự yêu thương chỉ giành cho những bạn bắt đầu, đang và thực hành trên con đường của yoga mong muốn tìm thấy con đường tập luyện đúng nghĩa và muốn yêu thương cơ thể của mình đặc biệt là đang tập luyện asana. Cảm hứng mình viết note này là nhìn một vài video up lên face mình xem mà thấy thương học viên trong đó có những học viên mình rất yêu quý.

Có thể bạn quan tâm:

Đây là những gì mà mình chắt lọc, tổng hợp kiến thức ra từ những người thầy mà mình đã được học và là sự trải nghiệm của bản thân có sự đau đớn, hạnh phúc và cũng là những gì mình đang làm và muốn chia sẻ cho các bạn:
- Học yoga cần biết học cách làm thế nào để sử dụng cơ thể của mình để vào thế, mình là người cần phải hiểu cơ thể mình đầu tiên, mình phải là người biết yêu cơ thể của mình, không người thầy nào hiểu hộ mình được cái đó.
- Khi học các tư thế nâng cao bị thầy cô giáo ép có thể khước từ không làm tư thế đó nếu như nền tảng cơ thể để vào tư thế đó chưa vững, nếu cố tình vào sẽ dễ gặp chấn thương. Chấn thương có thể ngày hôm nay bạn chưa nhìn thấy nhưng với cách tập luyện vậy thì sẽ xảy ra trong tương lai. Chỉ vào thế khi cơ thể đã sẵn sàng hoặc yêu cầu người giáo viên hướng dẫn vào biến thể của tư thế đó thì vẫn hưởng được lợi ích của tư thế đó. 
- Một tư thế nâng cao cần hiểu các bộ phận cấu thành trong cơ thể để làm lên tư thế là những bộ phận nào sau đó xây dựng từng phận đó khoẻ và vững chắc sau đó mới vào thế. Không có tập chạy trước khi biết lẫy, biết bò và biết đi. Vào một thế yoga hoàn hảo là một chuyến hành trình của cơ thể. 
- Sẽ tốt hơn là làm những gì cơ bản, hiểu nền tảng với kỹ thuật tốt, định tuyến và trong trạng thái thức tỉnh và ý thức hơn là làm một vài thứ dường như là nâng cao nhưng không hoàn thành. Nói cách khác, luyện tập đúng mang kết quả đúng, luyện tập sai mang kết quả sai.
- Sẽ tốt hơn luyện tập 15 phút hàng ngày hơn là giành 1 giờ luyện tập trong 1 tuần. Sự kiên trì, bền bỉ là chìa khoá để thành công. Luyện tập không phải là một phép màu nhiệm ngày một, ngày hai mà là phụ thuộc vào những gì bạn cho bản thân mình luyện tập hàng ngày. 
- Đối xử và chuyển động cơ thể trong trạng thái tỉnh thức, không đẩy cơ thể vào luyện tập quá khó mà khả năng chưa sẵn sàng, hãy kiên nhẫn với chính cơ thể của mình.
- Mỗi tư thế yoga mình tập phải hiểu mình đang tập gì và mục tiêu của mình như thế nào, nếu mục tiêu của mình là tập cho đẹp thì cứ tập miễn sao mình cảm thấy hạnh phúc nhưng đừng hại cơ thể mình chỉ vì cái đẹp.
- Hãy học cho bản thân và cân bằng tâm trí và tìm ngay trong con người mình có những gì để khai thác chúng. Mỗi một cơ thể là khác nhau, cần nhận biết mình thiếu gì để luyện tập, giành thời gian và tập luyện đều đặn.
- Khi giữ thế hãy cảm nhận cơ thể và làm động tác có hồn khi giữ thế, đừng có copy và paste tư thế khi không biết cảm nhận cơ thể.
- Chưa có dẫn chứng nào nói rằng tập những tư thế nâng cao sẽ tốt hơn tập những tư thế yoga cơ bản, cái cần nâng cao là sự tập trung vào hơi thở và cơ thể, một tư thế cơ bản mà nếu tập trung được lâu và sâu thì hiệu quả tư thế đó rất có nhiều lợi ích hơn tư thế nâng cao.
- Khi cơ thể dẻo thì đừng ép dẻo thêm nữa làm gì, hãy tìm tới độ bền trong cơ thể để cho cơ thể của mình có sự cân bằng. Cơ thể cần có âm và dương, dẻo và bền.
- Hãy chọn cho mình một người thầy hướng dẫn đào tạo cho bạn có trái tim làm việc từ tâm và là người giảng dạy về giá trị tinh thần trong yoga cũng như trong đời sống và làm sao để có thể áp dụng những kiến thức từ trong tư thế tập luyện asana hay trong triết lý yoga không chỉ áp dụng được trong lớp học mà còn để áp vào cuộc sống. Người thầy này sẽ là người truyền cảm hứng cho bạn.
- Hãy luôn mở rộng tâm trí để đón nhận những kiến thức mới và cần xác định rõ con đường nào là bạn đang đi, không tập luyện hay học tập theo kiểu phong trào trong khi ngay bản thân mình không biết mình đang thiếu gì. 
- Trên con đường bạn tập luyện có rất nhiều lối đi để về đích thậm chí bạn sẽ gặp những lối đi sai nhưng hãy biết phân định kiến thức đúng và sai để rèn luyện cơ thể và tâm hồn của mình đẹp hơn mỗi ngày. Đừng vì cái tôi của mình mà quên đi bản chất thánh thiện của bạn.
Chào tuần mới, mỉm cười và tiếp tục lái cảm xúc và bộ não của bạn!!😊🌻🌻
---
Chép lại từ FB Đỗ Thùy Trang