Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Sự so sánh và ganh đua trong Yoga

(By: Bryan Kest)
Tôi có hai câu chuyện riêng biệt và muốn chia sẻ cùng các bạn, để nhấn mạnh tính chất khác biệt của mỗi cơ thể người tập trong thực hành yoga.
Câu chuyện đầu tiên liên quan đến một anh chàng tập thể hình, một người khá nổi tiếng. Anh ta từng tập luyện ở lớp tôi dạy từ nhiều năm trước. Anh chàng này gần như cơ bắp nổi cuồn cuộn khắp cơ thể. Cho nên, anh ta vẫn hay tự mãn về điều đó. Có một lần, tôi cho lớp thực hành tư thế Chó Úp Mặt, hai cánh tay anh chàng này bắt đầu run rẩy trông thật thê thảm. Anh chàng có vẻ bối rối vì không biết lý do tại sao mình lại mệt mỏi nhanh như vậy, trong khi cô gái bên cạnh vẫn đang giữ tư thế một cách dễ dàng và thoải mái. Cuối cùng, anh ta phải thoát ra khỏi tư thế vì hai cánh tay sắp sụp xuống. Trong lúc quỳ gối để nghỉ ngơi, anh chàng trông hoàn toàn bối rối và nhìn thất thần quanh phòng, có vẻ như tất cả mọi người vẫn đang thực hiện tư thế một cách "Ngon lành". Điều mà anh chàng "Cơ Bắp" không nhận ra là, mặc dù anh ta rất to khỏe và mạnh mẽ hơn bất kỳ ai trong lớp. Nhưng các cơ bắp của anh ta bị cứng và thiếu sự đàn hồi (căng giãn), sự phát triển quá mức các cơ bắp thực sự đã hạn chế phạm vi chuyển động, điều này làm cho anh ta tốn nhiều năng lượng và sức lực hơn chỉ để đẩy thẳng các khớp của mình, do đó bị kiệt sức nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Câu chuyện thứ hai về một cô gái trẻ tuổi hiếu động, cô thường xuyên tham gia các buổi tập của tôi. Cô nàng rất tự hào bởi vì luôn là người mềm dẻo nhất trong lớp. Danh hiệu "Mềm Dẻo Nhất" chỉ có thể đạt được bằng cách tự so sánh bản thân cô ta với những người khác. Vì vậy, hiển nhiên là sự hiểu biết sâu xa về thực hành yoga của cô nàng bị sai lệch. Ôi chà! một hôm cả lớp đang trong tư thế Ngồi Gập Người Về Trước. Lúc này cô nàng bắt đầu liếc nhìn xung quanh, cô ta chợt nhận thấy cô gái bên cạnh cũng thực hiện được và còn tiến xa hơn trong tư thế. Mặc dù cô nàng "Mềm Dẻo Nhất" có thể dễ dàng chạm đầu vào cẳng chân mình, nhưng cô gái bên cạnh thực sự còn chạm cả trán vào ngón chân cái nữa! Thế này thì "Đẳng Cấp" hơn thật! Bởi tính ngạo mạn, Cô nàng "Bị Yếu Thế" bắt đầu gắng sức đưa đầu ra để chạm vào bàn chân trong sự tuyệt vọng. Nhưng, cô nàng không thể làm được điều đó! Tôi có thể nhìn thấy sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt tội nghiệp của cô ta. Điều quan trọng của vấn đề là, bởi tâm trí ganh đua dẫn đến sự mất tập trung. Cho nên, cô nàng không hề biết rằng mình thực sự mềm dẻo hơn cô gái bên cạnh. Sự thật thì, cô gái bên cạnh có đôi chân ngắn và thân mình dài, khiến việc chạm đầu vào ngón chân trở nên dễ dàng hơn. Ngược lại, cô nàng "Mềm Dẻo Nhất" có đôi chân dài và thân hình ngắn, đương nhiên cô ta sẽ không bao giờ làm được điều đó. Mặc dù trong hai người cô nàng "Thích Ganh Đua" thực sự là người mềm dẻo hơn.
Điểm chính của hai câu chuyện này muốn nhấn mạnh về hình dạng cơ thể chúng ta, nó có ảnh hưởng rất nhiều đến cách chúng ta thực hiện các tư thế. Mỗi cơ thể là độc nhất vô nhị. Hiểu điều này giúp chúng ta nhận thấy sự vô lý của việc so sánh và ganh đua với người khác. Nó sẽ chỉ dẫn đến những chấn thương và chẳng đem lại bất kỳ lợi ích gì cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Khi bạn so sánh bản thân mình với người khác, tâm trí sẽ chẳng bao giờ biết dừng lại. Nó luôn luôn tìm kiếm những điều mới lạ để thỏa mãn tính ganh đua bất tận. 

Vì vậy, đừng để cho sự so sánh và ganh đua vượt ra ngoài bản thân bạn. Hãy tự mình so sánh và đánh giá bản thân, về những điều đã làm được và chưa thực hiện được, để tiếp tục phấn đấu cho những mục tiêu tốt hơn trong tương lai của mình.
---
Chep lại từ Facebook Thang Mlod

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

10 Sai lầm Yoga phổ biến bạn có thể mắc phải

Tất cả chúng ta đã từng trải qua những buổi tập yoga, mà chúng đã khiến cho chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc chán nản. Tại sao chúng ta lại có những buổi tập đó? Thông thường, khi chúng ta là những người mới tập luyện yoga, chỉ mới bắt đầu hiểu được các tư thế thể xác, khi chúng ta cảm thấy "buổi tập tốt nhất" có nghĩa là chúng ta đã thành công về mặt thể xác, ví dụ: Chúng ta đã thực hiện được các tư thế, giáo viên đã khen ngợi, tức là chúng ta đã có một sự tách biệt hơn so với bất kỳ ai.

Nhưng đó là điều sai lầm đầu tiên của chúng ta, vì yoga không chỉ là khía cạnh về thể xác. Khi chúng ta học cách vượt qua bề nổi của sự thực hành và đi sâu hơn nữa, đó là lúc điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Mỗi ngày có sự khác nhau, về thể xác và tinh thần... và điều quan trọng là phải chấp nhận điều đó. Chúng ta cần chuyển sự tập trung của mình từ bên ngoài vào bên trong và cho phép bản thân mình khám phá những gì cần trong thời điểm đó, để tận dụng tối đa buổi tập yoga. Càng thực hành yoga, chúng ta càng học cách tập trung vào bên trong và để cho sự thay đổi diễn ra.

Có thể bạn quan tâm:
Dưới đây là 10 sai lầm phổ biến mà chúng ta đã từng mắc phải trong suốt quá trình tập luyện yoga của mình:

1. LO LẮNG VỀ NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC SUY NGHĨ

Yoga là sự kết nối giữa thể xác và tâm trí của bạn, vì vậy đừng ngại thay đổi bài tập yoga để phù hợp với nhu cầu đang hiện hữu của mình. Hãy cho phép bản thân mình quyền lựa chọn để thêm nhiều yếu tố Âm (giảm) hoặc Dương (tăng) vào bài tập của mình mà không phải lo lắng về sự phán xét từ người khác.

Hãy làm những gì bạn cảm thấy đúng và những gì sẽ giúp tăng cường sự thực hành của bạn, ngay cả khi bạn là người duy nhất đang nghỉ hồi sức trong tư thế Em Bé suốt 20 phút. Nhưng thành thật mà nói, chẳng ai để ý đến bạn... họ đang quá tập trung trong tư thế Cái Cây để không bị ngã.

2. KHÔNG SỬ DỤNG CÁC DỤNG CỤ YOGA

Không biết tại sao các dụng cụ yoga bị mang tiếng xấu. Nhiều người cảm thấy họ không phải là người giỏi hay người mạnh mẽ nếu họ sử dụng một khối gạch yoga hoặc dây đai yoga... đó là sai lầm lớn! Điều đó không phải là sự thật.

Các yogi dày dạn kinh nghiệm thích sử dụng các dụng cụ yoga trong thực hành vì nó giúp họ khám phá cơ thể và thực hành sâu hơn trong các tư thế. Một lần nữa, đừng quan tâm những gì người khác nghĩ - vì đây là thực hành yoga của bạn!

3. BỎ QUA TƯ THẾ XÁC CHẾT (SAVASANA)

Bỏ qua tư thế Xác Chết (Savasana) là một sai lầm lớn. Tư thế Xác Chết là một phần quan trọng trong thực hành yoga. Nó cho phép cơ thể và tâm trí của bạn hoàn toàn thư giãn và cảm nhận được những lợi ích phục hồi của sự thực hành.

Hãy nhớ rằng - tư thế Xác Chết (Savasana) là một tư thế yoga và giống như bất kỳ tư thế nào khác, nó cần phải thực hành. Nếu bạn nhận thấy tư thế này cực kỳ khó, nhưng không chỉ riêng bạn... vì tất cả chúng ta có thể học được một vài bài học từ sự tĩnh lặng.

4. QUÊN THỞ

Hơi thở của bạn đóng một vai trò rất lớn trong sự thực hành yoga. Chúng ta sử dụng hơi thở của mình để di chuyển vào và ra khỏi tư thế, để tập trung vào nhận thức, để thanh lọc cơ thể và nhiều thứ khác nữa. Có thể rất dễ bị mất tập trung vào hơi thở. Nhưng nếu bạn thấy mình đang nín thở hoặc tâm trí đang bắt đầu đi lang thang, hãy đưa sự tập trung quay trở lại với hơi thở sâu, có ý thức.

Giữ nhận thức của bạn trong hơi thở là một cách tốt nhất để kết nối với cơ thể của chính mình và không phải lo lắng về những gì đang diễn ra trong phòng tập. Hơi thở sẽ giúp bạn tập trung vào thực hành của chính mình.

5. MANG CÁI 'TÔI' VÀO PHÒNG TẬP

Đúng vậy, bản ngã có thể xuất hiện ngay cả trong phòng tập yoga. Ganh đua với người tập bên cạnh là điều vô nghĩa, vì vậy hãy bỏ tính ganh đua của bạn bên ngoài cửa phòng tập.

Nếu bạn thúc ép bản thân quá mức chỉ để thi đấu với người bên cạnh - hãy dừng lại - và dành một chút thời gian để nhắc nhở mình rằng, hành trình yoga là của riêng bạn và tất cả chúng ta đều đi trên một con đường duy nhất của chính chúng ta. Thực hành của bạn sẽ hoàn toàn khác so với người bên cạnh bạn - và điều đó không sao cả!

6. QUAN NIỆM YOGA NHƯ MỘT THỨ GÌ ĐÓ ĐỂ TRỞ NÊN TÀI GIỎI

Thông thường, khi chúng ta lướt qua các trang Instagram hoặc Facebook, chúng ta thấy những bức ảnh về các tư thế thực sự nâng cao được thực hiện một cách hoàn hảo. Nhưng sự hoàn hảo không tồn tại. Chúng ta không hướng đến sự hoàn hảo trong buổi tập yoga của mình, chúng ta đang hướng đến sự trải nghiệm sâu xa hơn bởi chính mình.

Theo thời gian, điều đó có thể khiến chúng ta nghĩ rằng yoga là thứ có thể trở nên tài giỏi hoặc phải như vậy, đó không phải là sự thật! Đừng bao giờ nản lòng hay khó chịu với chính bạn hay sự thực hành của bạn... đó là lý do tại sao chúng ta luyện tập yoga.

7. TỰ ĐỘC THOẠI NHỮNG ĐIỀU TIÊU CỰC

Những ý nghĩ của bạn mạnh mẽ hơn so với khả năng mà bạn có thể nhận ra chúng. Nếu bạn dành cả buổi tập chỉ để độc thoại với mình rằng, sự thăng bằng tồi tệ đến mức nào hoặc bạn không bao giờ có thể thực hiện được tư thế Con Quạ, rất có thể những ý nghĩ đó sẽ xuất hiện.

Nhưng nếu bạn học cách để chấp nhận sự thực hành của mình với những gì nó đang hiện có, hãy trao cho mình niềm đam mê và sự quả quyết mà bạn xứng đáng được như vậy, bạn chỉ cần trao cho chính mình sức mạnh để có một buổi tập tốt hơn và thời gian tuyệt vời còn lại trong ngày của bạn. Khi bạn nhận thấy những suy nghĩ tiêu cực xâm nhập vào sự thực hành, bạn chỉ cần buông bỏ chúng và quay trở lại với hơi thở.

8. TRỞ NÊN TỰ MÃN

Đừng mắc sai lầm khi tự mãn và chính bạn không cố gắng để tiếp tục học hỏi và tiến bộ. Thật đáng sợ khi lại trở thành người mới tập lần nữa bằng cách thử thách các tư thế cho người mới tập (các tư thế cũ), nhiều lớp yoga, v.v.

Thật dễ dàng để bị dập khuôn theo một hình thức yoga, hoặc nghĩ rằng chỉ có một trường phái yoga là "đúng" hoặc "tốt nhất". Đừng phạm sai lầm về việc kìm hãm bản thân mình, vì bất kỳ lý do nào. Bạn chỉ mới bắt đầu để khám phá toàn bộ tiềm năng của mình và sự thực hành yoga chính là để giúp bạn tìm hiểu sâu hơn nữa.

9. TOAN TÍNH CÔNG VIỆC TRONG BUỔI TẬP

Có khi nào bạn nhận thấy tâm trí mình đang lang thang giữa buổi tập và đột nhiên bạn nghĩ về danh sách những việc cần làm trong ngày, hoặc những gì bạn sẽ nấu cho bữa tối. Hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại có thể đôi lúc, nói dễ hơn là làm, nhưng nó rất quan trọng trong thực hành yoga của bạn.

Hãy đảm bảo dành cho mình đủ thời gian trên thảm tập trước khi buổi tập bắt đầu cho đến lúc kết thúc, và trở nên hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tại một cách đầy đủ. Đừng tước đoạt thời gian của bạn cho việc phục hồi, tự học hỏi và sự tiến bộ bằng việc không tập trung một cách trọn vẹn trong quá trình thực hành của mình.

10. TẬP YOGA MỘT CÁCH QUÁ NGHIÊM TÚC

Hãy nhớ rằng đây là một món quà cho chính bạn, bởi chính bạn. Hãy tận hưởng sự thực hành của bạn - nó chỉ dành cho bạn! Đôi khi chúng ta ép buộc mình một cách quá nghiêm khắc - đặt cho mình những tiêu chuẩn quá cao, tức là không cho phép mình thư giãn và thả lỏng.

HÃY LOẠI BỎ NHỮNG SAI LẦM VỀ YOGA

Bài viết này nhằm giúp chúng ta loại bỏ một số sai lầm nghiêm trọng, chúng có thể được tạo ra bởi chính chúng ta trong sự thực hành yoga của mình và ở khắp mọi nơi. Vì vậy, hãy đem lại cho sự thực hành những nụ cười và những tiếng cười vui sướng.

Bởi vì, cho dù sự thực hành là thiêng liêng, thì nó cũng có nghĩa là để được Vui vẻ - Hạnh phúc!!
---
By: Teresa Mason

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Tại sao bạn không thể trở thành một Giáo viên - một Huấn luyện viên Yoga?


Cùng Yogi vượt qua các rào cản👉

1. Chị thích lắm nhưng không có thời gian để học?

Cuộc sống này quá nhiều thứ để lo, quá lắm việc phải làm... nhưng các anh chị hãy nhớ việc gì nên ƯU TIÊN thì phải làm trước. Và SỨC KHỎE có phải là điều cần ưu tiên trên tất thảy không? Khi đã ưu tiên thì không thể không bố trí được thời gian😍.

Có thể bạn quan tâm:

2. Chị chưa từng học Yoga liệu có học được lớp giáo viên không?

Anh chị có công nhận, một tờ giấy trắng bao giờ cũng dễ vẽ một bức tranh đẹp hơn là một tờ giấy đã nham nhở vài nét mực? Hãy đem trang giấy tinh khôi ấy đến và chúng ta cùng nhau vẽ lên 1 bức tranh đẹp nhất, đúng nhất về Yoga.

3. Chị cứng lắm/già lắm không tập được Yoga đâu?

Ơ kìa, Ai bảo Yoga là uốn dẻo nhỉ, ai bảo cứng là không tập được Yoga. Yoga dành cho tất cả mọi người. Và càng cứng thì càng nên tập Yoga cho cơ thể trở nên dẻo dai hơn.
Yoga là con đường rèn luyện Tâm Thân Trí bao gồm Các Asana (động tác), Thở, Thiền.... Yoga bao gồm sức mạnh, sự dẻo dai, sự cân bằng...
Không một Yogi nào có thể đi đến tận cùng của Yoga, chỉ là chúng ta từng bước chinh phục bản thân mình bằng Yoga mà thôi. Hãy yêu bản thân mình tập luyện đúng, phù hợp với cơ thể của mình.

4. Và Tại sao chúng ta không phải là giáo viên cho chính mình, những đứa trẻ của mình và gia đình mình?

Trước khi nghĩ đến mình sẽ là giáo viên dạy cho một ai đó trước hết hãy dạy cho chính bản thân mình.
Mỗi tư thế đều có "kỹ thuật" riêng của nó, xiết cơ nào, thả lỏng cơ nào, sử dụng hơi thở ra sao... Ở khóa đào tạo giáo viên yoga anh chị sẽ được cung cấp kiến thức, để luyện tập yoga một cách khoa học, được giác ngộ để có thái độ đúng đắn trong thực hành yoga.
Và sau nữa hãy trở thành giáo viên yoga cho các thành viên gia đình mình, cả gia đình được luyện tập, được lan tỏa yoga đó là điều tuyệt vời nhất.
Khi đã trở thành giáo viên Yoga của chính mình thì những ngày mưa gió, bận rộn, những ngày đi công tác xa không đến được phòng tập, không có cô giáo...chẳng còn là điều cản trở mình luyện tập mỗi ngày.

5. Giáo viên Yoga là một nghề thú vị?

Đơn giản thế này: Nếu các ngành nghề khác, anh chị đang kiếm tiền để mua sức khỏe, thì giáo viên yoga là nghề vừa có thể kiếm tiền vừa có sức khỏe. Một nghề cho ta rất nhiều kỹ năng, sự tự tin và đầy năng lượng với khả năng kết nối bao la.

6. Và cuối cùng tập luyện Yoga là chúng ta đang học cách yêu thương bản thân mình.
---
Sưu tầm

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Chấp nhận và yêu cả những điều không hoàn hảo


Học viên của mình, mỗi người tìm đến yoga với những mục đích khác nhau, phần lớn là họ đều muốn thay đổi một điều gì đó trên cơ thể như muốn giảm/tăng cân, muốn nhỏ bụng, gọn cánh tay, muốn to mông hay trẻ hóa khuôn mặt,....

Hướng đến chân – thiện – mỹ là mục tiêu chính đáng của con người. Vì vậy mà hầu hết mỗi chúng ta đều không tự hài lòng với chính mình. Bạn luôn mong muốn được là một người khác, muốn thân hình tuyệt mỹ của những cô người mẫu trên bìa tạp chí, muốn được dẻo dai như người này, mạnh mẽ như người kia. Bạn luôn so sánh bản thân với người khác.

Có thể bạn quan tâm:
Bản thân mình cũng có một đôi tay rất nhỏ so với tỉ lệ cơ thể. Mình đã từng thấy buồn phiền, xấu hổ vì nó. Mình muốn thay đổi, nhưng nó vốn đã là một phần đặc điểm của mình từ lúc được sinh ra.

Rồi mình lại thấy có lỗi, vì hằng ngày, bên cạnh đôi chân, thì cánh tay là bộ phận hoạt động nhiều nhất, mình đi xe máy, mình nấu ăn bằng đôi tay, mình kết nối với mọi người bằng những cái bắt tay, kết nối với học viên bằng sự chạm chỉnh, thể hiện tình yêu thương với những đứa con của mình bằng những cái ôm thật chặt. Đôi tay thật sự đã luôn hỗ trợ mình dù mình có chán ghét nó thế nào đi chăng nữa.

Và kể từ khi mình nhận ra được điều đó, mình biết ơn, chấp nhận và cố gắng chăm sóc đôi tay của mình nhiều hơn, tập luyện để tăng cường sức mạnh cho nó.

Mình nghĩ rằng, việc của mình cũng bao gồm cả việc khích lệ những học viên yêu mến vẻ đẹp và tính duy nhất của họ. Mình rất thích câu nói của siêu mẫu Miranda Kerr và thường xuyên chia sẻ nó với học viên: "Bạn không nên cảm thấy phiền lòng về bản thân hay ước ao được làm một ai khác. Bởi vì một đóa hoa hồng không bao giờ là hoa hướng dương và ngược lại. Hoa hồng thật xinh đẹp, hoa hướng dương hay bồ công anh cũng vậy. Tất cả các loài hoa đều xinh đẹp theo cách của chúng và phụ nữ cũng vậy”.

Sau một thời gian tập yoga, bạn cảm thấy yêu cơ thể, yêu con người mình, chấp nhận và yêu cả những điều không hoàn hảo, đó là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đã và đang tập yoga đúng hướng.

HÃY LUÔN NHỚ RẰNG: THẾ GIỚI NÀY, BẠN LÀ MỘT, LÀ RIÊNG, LÀ DUY NHẤT.

Hãy giữ lấy sự độc đáo của riêng bạn, yêu thương chính mình và trở thành người truyền cảm hứng cho bất kì ai đó mà bạn quen biết, đó mới chính là điều mà bạn nên làm.
---
Chép lại từ FB Trần Thùy Dung

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Lớp Yoga không phân biệt học viên cũ hay mới tập


Muốn gửi tới cộng đồng, những tín đồ yoga, những cá nhân đã-đang-sẽ tập yoga xem đó và cùng trải nghiệm.

📌 Nhấn mạnh là yoga không phải chỉ là DẺO, yoga không phải chỉ là MẠNH, yoga không phải chỉ là THIỀN, yoga không NHÀM CHÁN, yoga không phải chỉ dành riêng cho PHỤ NỮ, không phải môn của ĐÀN BÀ. Học yoga không phải để PHÔ TRƯƠNG, học yoga không phải để trở thành SIÊU NHÂN, yoga không quan trọng ở 1 tư thế KHÓ, mà trong 1 tư thế dễ với KỸ THUẬT ĐÚNG, HƠI THỞ ĐÚNG, THỜI GIAN GIỮ THẾ sẽ được bao lâu, CẢM NHẬN tư thế đó vào cơ thể sẽ là gì??? Tác động vào đâu???

Có thể bạn quan tâm:

📌Nhiều người không tin vào khả năng và những lợi ích Yoga đem lại, đơn giản vì họ đi tập chỉ là để vui, theo phong trào, muốn làm tư thế khó cho bằng bạn bằng bè và vì nhìn thấy thích quá nên thử, sẽ không bao giờ có kết quả tốt nếu không có sự kiên trì cố gắng và nỗ lực.

🙏Tôi lại nhớ đến người, Thầy Tôi hồi xưa không dạy tôi nhiều về tư thế, mà Thầy dạy Tôi về kỹ năng, về kiến thức, chỉ cho Tôi cách nhận biết CẦN VÀ ĐỦ. Khi Tôi hỏi Thầy "Con không có nhiều thời gian đi học như các đồng đồng môn khác, con thấy tự ti quá Thầy ạ".

👉Thầy đã nói với Tôi rằng "Cái quan trọng nó là cái nội lực bên trong, khi con hợp nhất TÂM TRÍ và HƠI THỞ vào tư thế đó, con dần sẽ cảm nhận được sức mạnh trong tư thế đó và NỘI LỰC trong cơ thể con".

👉Người Thầy giỏi là người sẽ đào tạo ra những học viên xuất sắc, mà cái đó nó là cách diễn đạt, dòng năng lượng và sự nhiệt tình có tâm của con. Con đã có kiến thức, đã hiểu nguyên lý thì con hãy tự tập 1 mình con để con cảm nhận nhiều vào, và đừng ganh đua với bạn, kệ người ta..."

👉 Một điều nữa Tôi muốn nói đến thường thì Các lớp Yoga luôn có học viên mới đến tập vì vậy giáo trình đưa ra luôn phải phù hợp với thể lực của những người mới, còn Người cũ thay vì vẫn tư thế đó chúng ta có thể giữ lâu vậy sự hiệu quả của 1 tư thế mới có tác dụng massage tác động sâu vào bên trong cơ thể của Bạn.

📌Mà trong Yoga vẫn thường nói không phải là Bạn làm được nhiều tư thế khó, nhiều tư thế đẹp và quan trọng Bạn phải giữ lâu ở 1 tư thế hay còn gọi là "Thiền trong tư thế" Vậy đó.

👉Vì vậy hãy đừng nghĩ người khác làm phiền mình, hay viện lý do vì lớp nâng cao mà học theo Học viên mới không thấm được... Thấm hay không là do bản thân Bạn cảm nhận chứ đừng để người khác tác động vào mình ... Mà hãy " Tĩnh lại" để hòa hợp được mọi yếu tố Bạn nhé !!!

👉Và NẾU Bạn KHÔNG COI việc tập mỗi ngày hoặc ít nhất tập cách buổi 1 tiếng như là 1 THÓI QUEN, như là 1 bữa ăn QUAN TRỌNG trong ngày thì khó có thể chạm vào được những hiệu quả thần kỳ mà yoga đem lại, chính là nó sẽ tự chữa lành cơ thể, phục hồi cơ thể nếu tập đúng phương pháp, và coi nó như 1 việc quan trọng của mình trong 1 ngày. Còn không thì dù tập 10 năm, 20 năm thì chỉ là góp tiền làm giàu các trung tâm thôi.

📌Sức khỏe là cái không mua được bằng vàng, người thông minh sẽ biết dành cho mình 1 tiếng vào quỹ "bảo dưỡng cơ thể". Máy móc không hoạt động còn hỏng, xe để lâu không hoạt động còn khó đề, xe chạy nhiều thì hết dầu cũng phải thay dầu nữa là cơ thể con người.

👉Ai cũng muốn khỏe đẹp, nhưng nhiều người lười vận động quá, ngại khó ngại khổ, sợ đau. Hay đi đến phòng tập mà lại cầu vui.... Thật ra Xương khớp là phần cứng chứ có phải phần mỡ đâu mà ko đau, ko đau sao có hiệu quả. Dậy sớm dành 1 tiếng đi tập thì "ai ngủ hộ?" Sợ béo dành 1 tiếng đi tập thì "ai ăn hộ??"... Vậy thì các bạn đừng nói học yoga không hiệu quả hay là vớ vẩn hay là chả giúp gì đc cả.

👉Là do mình thôi mà. Cái gì cũng do mình mà ra hết, không thể đổ lỗi cho thời gian hay công việc hay abc nọ kia.

📌Nếu thấy sức khỏe quan trọng thì sẽ tự sắp xếp được. Ăn chơi mãi có khỏe ra ko? Bệnh từ miệng mà ra, do thói quen ăn uống.

👉Người ta có câu "lười thối thịt", những ng bị bại liệt và lở loét là vì ng ta không vận động được.

🙏Chúng ta may mắn vì cơ thể lành lặn vậy tại sao không làm đẹp cho nó từ bên trong? Trong đẹp ắt sẽ ra đến ngoài, trẻ lâu trẻ dai đẹp tự nhiên và lâu bền.

👉Vì xương cốt khỏe dẻo dai sẽ nâng đỡ tốt cơ thể, nội tạng khỏe mạnh, khí huyết lưu thông tốt dẫn lên não tốt thì da dẻ hồng hào, đầu óc minh mẫn (do có máu đưa vào não), "cổng vào tốt cổng ra trôi"... => khỏe.

👉Mà lý do của những ng bị huyết áp thấp lúc nào cũng tái và yếu là do xương khớp lão hoá dần, thiếu chất bôi trơn trong khớp, dây cơ và dây dẫn máu (mạch máu), dây thần kinh không có sự đàn hồi, tắc nghẽn, cản trở việc lưu thông máu, thì lấy đâu ra mà máu lên đc não?

👉Giống cái ống hút mà vặn nhiều thì hút sinh tố cứ gọi là tóp hết cả má. Vậy nên về già, trái gió trở trời kêu đau đủ thứ cũng phải chịu do bệnh lười.

🤣Lúc đó lại nhờ đến bác sỹ, y tá bác sỹ được đà quát mắng, cho đủ thứ thuốc mà khổ nỗi chẳng thuốc nào rẻ. Uống mãi thấy đỡ chứ ko khỏi. Cơ thể nào cũng sẽ nhờn với 1 số loại thuốc hoặc 1 số tá dược có trong thuốc, thuốc chỉ có tác dụng kìm hãm chứ không có tác dụng triệt để nhé!!! Vậy các bạn hãy lưu ý và ngẫm đi ạ. Chết mà nhẹ thì thích hơn hay trước khi chết phải chịu đau đủ thứ thích hơn ạ? Tóm lại do bản thân mà ra hết.
---
Chép lại từ FB Huỳnh Bích Hiền Yoga

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

10 Dấu hiệu nhận biết cơ thể cần Yoga


🌻1. Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi
Bạn hoàn toàn bị kiệt sức nhưng bằng cách nào đó bạn vẫn không thể ngồi xuống. Bị trói buộc bởi những lo lắng và dù thời gian như lướt trên đầu ngón tay mà bạn vẫn chưa làm được gì. Yoga sẽ giúp bạn bắt đầu nhận ra những căng thẳng của mình và biết cách giải tỏa chúng, cũng như làm cho khoảnh khắc hiện tại trở thành một bài nhạc.

Có thể bạn quan tâm:
🌻2. Bạn khó ngủ
Tâm trí bạn khó kiểm soát, bạn thậm chí không buồn ngủ cũng như không thể ngủ được, chính nguyên nhân này làm bạn cảm thấy mệt mỏi từ lúc bắt đầu mở mắt thức dậy đến khi lên giường đi ngủ. Não bạn cần được thư giãn, kết hợp thiền để giải tỏa bớt những gì không đem lại lợi ích cho bạn, kể cả suy nghĩ thoáng qua gây trở ngại việc bạn thư giãn và nghỉ ngơi.

🌻3. Bạn không giữ đúng tư thế
Nhiều người trong chúng ta đang làm công việc văn phòng đòi hỏi nhiều giờ liền phải ngồi trước màn hình máy tính. Khi xương sống của bạn không được giữ thẳng, có thể bạn sẽ cảm thấy cổ và lưng mình bị đau, Yoga cũng giúp bạn nhận ra những điều này, bạn sẽ biết được ra khi nào lưng mình bị gù và kịp thời chỉnh lại nó.

🌻4. Bạn không thể tự ra quyết định
Thậm chí ngay cả những việc nhỏ cũng khiến bạn lưỡng lự, những yếu tố xung quanh cũng ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Yoga sẽ giúp bạn tập trung vào những suy nghĩ đúng đắn và xua tan lo lắng, nên những mục tiêu của bạn sẽ không bị những sự mất cân bằng và bối rối phân tâm.

🌻5. Bạn khó kiểm soát cảm xúc
Bạn hay phản ứng quá mức trước mọi tình huống. Những phản ứng đó hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát. Thực hành Yoga sẽ giúp thần kinh bạn ổn định tinh thần, giải tỏa những căng thẳng và nhận ra tất cả chỉ là thoáng qua.

🌻6. Bạn rất hay quên
Bạn không thể tập trung vào một thứ, nên việc hoàn thành một công việc nghe có vẻ là điều bất khả thi. Động tác Yoga giữ thăng bằng trên một chân kết hợp với hơi thở sẽ giúp cho bạn chống lại việc đi lệch hướng một cách hiệu quả.

🌻7. Bạn thường hay thở không đều
Bạn có thể nhận ra việc mình thở mỗi lúc khác nhau, thở rất nông. Yoga giúp bạn tập trung vào hơi thở, để ý đến hơi thở bạn sẽ thấy việc hít thở của mình hoàn toàn sai. Thở sâu sẽ làm cho phổi của mình được căng tối đa, làm cho tâm trí bình tĩnh hơn.

🌻8. Bạn thường cảm thấy ngại ngùng
Khi bạn đã thư giãn được từ tâm lý đến thể chất, kết quả là bạn cảm thấy tự tin hơn và cũng sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Bạn sẽ dễ dàng có thể thư giãn trong mọi tình huống bao gồm việc tập luyện yoga.

🌻9. Bạn đang chọn những điều không lành mạnh
Khi gặp rắc rối, bạn thường hay ăn nhiều để che đậy sự mất cân bằng. Thực hành Yoga sẽ đem lại hạt giống sức khỏe hạnh phúc cho một hành trình lâu dài – và còn cuộc hành trình nào có thể quan trọng hơn hành trình này.

🌻10. Bạn cảm thấy mình không thể chia sẻ cảm xúc với người khác
Bạn cảm thấy đã vượt quá sức mình, nhưng ngay khi có ai đó tìm cách quan tâm bạn để hiểu bạn hơn thì bạn lại khép mình lại. Bạn cảm thấy không thoải mái khi mở lòng và chia sẻ vì sợ hãi hay sợ bị phán xét. Yoga giúp bạn nhận ra sự thật, nó dạy bạn vượt qua vùng thoải mái để đến nơi bình an và sự thật.
---
(sưu tầm)

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Bạn thở như thế nào trong khi thực hành các tư thế yoga?


Một số học viên đã tập yoga ở nơi khác hỏi tôi rằng họ được hướng dẫn một kiểu thở trong tất cả các tư thế. Hihi, lại có học viên nói với tôi rằng sao ở đây mọi người thở không nghe thấy tiếng, họ nói với hơi thở nghe thấy tiếng thì họ cảm thấy thở sâu hơn.

Với một học viên mới, phần lớn chúng ta nín thở hoặc sử dụng hơi thở ngắn và nông trong khi giữ một tư thế, đặc biệt là trong tư thế khó. Điều này tạo ra không ít căng thẳng trong cơ thể.
Mỗi một truyền thống yoga khác nhau và giáo viên khác nhau có thể chọn những kiểu thở khác nhau khi thực hành asana.

Còn tôi thích và thường hướng dẫn học viên các kỹ thuật thở khác nhau trong khi giữ các tư thế khác nhau. Quan trọng nhất, bạn chọn kiểu thở nào hỗ trợ mục tiêu và ý định của bạn khi bạn làm tư thế hay khi bạn thực hành yoga.

Đó chính là sự linh hoạt, không phải lúc nào cũng nhất nhất phải thở thế này, phải thở thế kia.

Bạn chỉ có thể chú tâm vào hơi thở khi cơ thể vật lí của bạn trong tư thế được vững vàng, cho nên đối với người mới tập việc chú tâm vào hơi thở thường rất khó.

Là một người hướng dẫn để giúp được học viên vững vàng trong tư thế thì phải ứng dụng một cách linh hoạt định tuyến chung vào mỗi một cá nhân khác nhau. Khi hỗ trợ được học viên vào đúng định tuyến cá nhân của họ thì việc chú tâm vào hơi thở mới được phát huy.

Một buổi tập yoga không phải là một buổi duyệt binh nên không nhất thiết tất cả mọi người phải đạt được tư thế hoàn hảo và giống nhau.

P/S: Trời mưa cô giáo ngồi ngắm lại bức ảnh cách đây hơn 4 năm và nhận ra một điều:
Thanh xuân như một ly trà
Sinh xong hai đứa hết bà thanh xuân cả nhà ạ!
---
Chép lại từ FB Trần Thùy Dung