Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Điều gì đang ngăn cản bạn vào sâu hơn trong tư thế yoga?!?!

điều gì đang ngăn cản bạn vào sâu hơn trong tư thế yoga?!?!

Trong Yoga có rất nhiều Tư Thế Phức Tạp (Complicated Yoga Poses) đòi hỏi cả sức mạnh lẫn độ linh hoạt ở nhiều vị trí.

Trong khoảng thời gian chinh phục các Tư Thế Yoga mình đã có cực kì nhiều cảm xúc: đầu tiên là phấn khích, mong chờ, rồi chuyển sang nghi ngờ bản thân & phương pháp tập luyện vì tập mãi chưa được, cuối cùng là chán nản..... 🤣

Liệu các bạn có từng giống như mình? 🤔

Vậy điều gì đang ngăn cản bạn đi xa hơn, vào sâu hơn trong tư thế Yoga? Đâu là điểm giới hạn của bạn?

Câu trả lời cho những câu hỏi trên có khả năng giúp đỡ bạn rất nhiều, mặc dù thường thì cũng rất khó để tìm ra 🥵

Theo ý kiến cá nhân mình, có hai giới hạn khi bạn tập luyện, đầu tiên là giới hạn của tâm trí, thứ hai là giới hạn của cơ thể.

Có thể bạn quan tâm:

1. Giới Hạn Tâm Trí

Cá chắc rằng nhiều bạn đã từng có suy nghĩ trong đầu: "tư thế này khó quá chắc cả đời mình cũng không làm được" (dù có thể chỉ ngay sau đó đã tập được luôn 😆), "tay mình yếu thế này, người mình cứng thế này thì sao tập được abcxyz..."

Giới hạn của tâm trí là thứ đầu tiên ngăn cản bạn, đôi khi nó giúp bạn tránh xa khỏi nguy hiểm, đôi khi nó khiến bạn không được trải nghiệm làm một điều gì mới mà trước đây bạn chưa bao giờ làm.

Cách đơn giản nhất để phá bỏ giới hạn tâm trí là tập theo "Tiến Trình" từng bước một, từ dễ đến khó, dần dần bạn sẽ vượt qua được giới hạn mà tâm trí đặt ra.

Khi tập một tư thế Khó & Mới hãy tìm biến thể đơn giản hơn, nếu bạn không biết thì hãy hỏi giáo viên hướng dẫn.

Thay đổi bản thân luôn là một cuộc đua Marathon chứ không phải giải chạy nước rút.

Nỗ lực 100% với nhiều người có thể khiến họ sợ hãi và sau đó không dám quay lại tập luyện, thay vào đó hãy chỉ nỗ lực đủ để vượt qua giới hạn hiện tại một chút nhưng lặp lại nhiều lần trong thời gian đủ dài.

------------------

2. Giới Hạn Cơ Thể

Phạm vi chuyển động (ROM - Range of Motion) ở khớp của chúng ta, nếu bị giới hạn bởi các mô (cơ bắp, dây chằng bị chặt cứng... mình sẽ mô tả thêm ở bên dưới) có thể tăng lên nhờ quá trình tập luyện tư thế Yoga, hít thở...

Khi giới hạn phạm vi chuyển động đã chạm ngưỡng bởi sự nén (có thể là của xương) thì Yoga sẽ không giúp được gì cho bạn, bạn đã chạm đến giới hạn độ linh hoạt của bản thân trong tư thế đó, theo hướng đó.

Khi tập Yoga, chúng ta tôn trọng tính riêng biệt của mỗi người.

Chúng ta có mã gen di truyền, hệ xương khớp, thế giới quan và lịch sử cuộc đời khác nhau.

Do đó, mỗi người sẽ có một cách tiếp cận riêng với từng động tác Yoga, hiểu giới hạn tự nhiên của mình ở đâu sẽ giúp các bạn tránh việc cố gắng phá huỷ cơ thể khi tập Yoga 🙂

------------------

2.1 Độ Căng (Chặt) Của Các Mô

Có 4 mô chính tạo ra lực cản (đến từ độ căng, chặt của các mô) giới hạn phạm vi chuyển động của bạn, đó là:

- Da (chiếm 2% giới hạn ROM)

- Gân (chiếm 10% giới hạn ROM)

- Cơ và Mạc Cơ (Fascial) (chiếm 41% giới hạn ROM)

- Bao Khớp và Dây Chằng của nó (chiếm 47% giới hạn ROM)

Như thông số ở trên, dễ dàng nhận thấy thành phần chính của Da là Collagen có tính cố định nên ảnh hưởng rất ít (2%) đến phạm vi chuyển động (ROM).

Gân cũng được cấu thành chủ yếu từ Collagen nên cũng không thể giãn quá nhiều (10%). Rất khó để tác động lực lên gân và kéo giãn nó, trước khi lực đó chạm đến gân thì có lẽ điểm nối giữa Cơ & Gân (Myotendinous) đã bị đứt gãy (chấn thương).

Tiếp theo là Cơ và Mạc Cơ, đây chính là mô mà các bạn có thể kéo giãn nhiều nhất (41%) khi tập Yang Yoga và Yin Yoga.

Cuối cùng là Bao Khớp và Dây Chằng (47%), mặc dù chiếm tỉ lệ % lớn ảnh hưởng đến độ linh hoạt của cơ thể nhưng chúng lại là phần mà các bạn ít có thể thay đổi được, độ linh hoạt của chúng được định đoạt từ khi bạn sinh ra (đó là lý do có những người vốn đã dẻo dai, linh hoạt hơn những người khác dù không tập luyện).

Giống như Gân, Dây Chằng có tính ổn định nhiều hơn là đàn hồi (một vài dây chằng như ở đốt sống thắt lưng thì có tính đàn hồi cao hơn các dây chằng khác), và chúng không thể giãn quá 4-10% tuỳ mỗi người. Chúng có nhiệm vụ nối xương lại với nhau và giữ cho xương di chuyển ở một biên độ an toàn trong Bao Khớp.

------------------

2.2 Sự Nén Của Xương

Khi bạn tập một tư thế đã lâu, bỗng chợt cảm thấy hơi đau nhức, tức tức không giống cảm giác kéo giãn bình thường thì có thể đó là Xương Chạm Xương.

Như đã nói ở phần trước, đây sẽ là điểm giới hạn của bạn và các tư thế Yoga sẽ không giúp ích được cho bạn nữa.

Điều duy nhất bạn có thể làm để đi xa hơn là phá huỷ cơ thể, phẫu thuật và những can thiệp khác nhằm thay đổi cấu trúc cơ thể, nhờ đó mà gia tăng độ linh hoạt.

Mình từng trầm trồ trố mắt xem một Hot Yogi vì cô ấy rất dẻo, rất linh hoạt, tập Yoga như tập Xiếc, sau đó thì mình biết cô ấy từng phải làm phẫu thuật hông 🙂

------------------

Ở trong bài viết này chúng ta đã cùng thảo luận về độ linh hoạt rất nhiều, vậy tập Yoga có phải là chỉ cải thiện độ linh hoạt, bao nhiêu là đủ?

Mình sẽ chia sẻ tiếp ở một bài viết khác có tên: "CÓ NÊN ÉP DẺO KHI TẬP YOGA", các bạn đón đọc ủng hộ mình nhé 🥳

Bài viết có sự tham khảo từ nguồn sách: Yin Yoga - Tâm Yên Bình Đẹp Dáng Xinh của tác giả Bernie Clark, đã được dịch sang tiếng Việt.

---

Chép lại từ FB Yin Yang Yoga Hanoi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét