Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

Cách thở gây bụng to và cách thở làm bụng nhỏ


BỤNG TO VÀ MỘT SỐ HỆ LỤY

Không hiếm gặp nhiều người tập yoga lâu năm mà cái bụng vẫn to bự.

Chúng ta cũng thấy một số bậc thầy, tu sĩ, Lạt Ma… cũng to bụng, nhưng tâm họ có thể đã không còn bám chấp vào hình tướng xác thịt giả tạm này vì mục đích tu luyện của họ là hướng đến sự giác ngộ tâm linh, thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử…Đối với họ bụng to nhỏ không còn quan trọng.

Còn chúng ta vẫn đang vật vã trong thế giới nhị nguyên cho nên bụng to bự hay thon gọn rất quan trọng.

Chưa có khái niệm thế nào là một cái bụng to bự, tôi mạnh dạn nêu ra 1 khái niệm về nó như sau: Bụng của một người được coi là to bự nếu như có bất kỳ vùng nào của bụng nhô ra khỏi xương ức nếu chiếu từ xương này xuống. Nhô càng nhiều thì bụng càng to bự.

Có thể bạn quan tâm:

Một cái bụng to bự có thể sẽ làm giảm sự tự tin của một người. Đối với các chị em thì giữ vòng 2 thon gọn cực kỳ quan trọng và tốn kém.

Một cái bụng to bự sẽ gây ra một số hệ lụy cho sức khỏe. Trước tiên nó làm ứ trệ lưu thông khí huyết ở nội tạng vùng bụng, làm tăng độc tố tích tụ ở nội tạng, tăng áp lực lên đáy chậu, trực tràng gây tăng nguy cơ bệnh trĩ. Bụng to bự còn làm giảm nhu động ruột, gây tiêu hóa kém. Dường như những người có một cái bụng săn chắc thì khả năng tiêu hóa tốt hơn. Một cái bụng to bự còn ảnh hưởng đến khả năng sinh lý…

Nội tạng vùng bụng được che chắn và bảo vệ của một số cơ: cơ thẳng bụng, cơ ngang bụng, cơ chéo trong/chéo ngoài. Trong đó cơ thẳng bụng là cơ dày nhất, mạnh mẽ nhất. Bụng to bự hay không phụ thuộc chính vào độ săn chắc hay nhão xệ của cơ này.

Đầu dưới cơ thẳng bụng bám vào xương mu, đầu trên bám vào xương ức và các dẻ sườn lồng ngực 5, 6,7 ở hai bên. Phần trên cơ này, phần trên rốn, to hơn và săn chắc hơn phần dưới của nó, phần dưới rốn. Vì vậy phần dưới rốn di chuyển với biên độ nhiều hơn phần trên rốn trong khi thở bụng.

Có nhiều nguyên nhân gây to bụng như chế độ ăn uống, lão hóa, luyện tập…
Trong bài này chỉ bàn về bụng to do cách thở gây ra.

CÁCH THỞ GÂY BỤNG TO


Nếu bạn hít vào mà CHỦ ĐỘNG ĐẨY BỤNG PHÌNH RA, nhiều người thực hiện như vậy khi được hỏi, thì bạn đã làm cơ thẳng bụng căng giãn ra rồi đấy.

Chủ động đẩy bụng phình ra khi hít vào chưa chắc làm không khí tràn vào đầy 2 lá phổi vì bạn chỉ chú ý làm phình bụng chứ không chú ý đến phổi và cơ hoành.

Một ngày đêm chúng ta hít thở khoảng 20.000-24.000 lần. Giả sử chúng ta hít thở theo cách trên từ khi thức dậy đến khi đi ngủ chỉ là 10.000 lần thì đây chính là số lần cơ thẳng bụng bị kéo giãn/ căng trong một ngày mà phần bụng dưới bị giãn căng nhiều nhất. Một tháng cơ thẳng bụng bị căng giãn 300.000 lần, một năm là 3.600.000 lần!

Thật kinh hoàng! Đến cơ bụng voi cũng không chịu nổi!
Với kiểu thở này, bụng không bự, nhão, xệ mới lạ!
5 năm, 10 năm luyện yoga với cách thở này còn gì là bụng nữa?

Đây chính là nguyên nhân tại sao tập yoga lâu năm mà bụng to ra.

Chủ động đẩy bụng phình ra khi hít vào là chúng ta tập trung chủ yếu vào vùng bụng mà có thể bỏ qua sự chú ý đến phổi, đối tượng quan trọng nhất của quá trình hô hấp

CÁCH THỞ LÀM NHỎ BỤNG


Công thức chung: THỞ RA BỤNG THÓT VÀO CHỦ ĐỘNG, HÍT VÀO BỤNG PHÌNH RA THỤ ĐỘNG

Một vài gợi ý:

  • Ngồi thẳng lưng trong thế hoa sen/bán hoa sen với tay để thoải mái trên 2 gối hoặc hai bàn tay đan lại để trước bụng
  • Bắt đầu bằng một HƠI THỞ RA, bụng CHỦ ĐỘNG hóp lại kiệt khí trong bụng ngực, rút nhị âm và cảm nhận đáy chậu và lưng. Nếu hóp/siết bụng dưới – nhị âm (mạnh/nhẹ tùy người, tùy mục đích) thì bạn đã góp phần làm săn chắc các cơ bụng và đáy chậu cũng như góp phần làm tiêu mỡ thừa ở bụng.
  • HƠI THỞ RA là hành động đầu tiên nhất của con người sau khi ra đời thể hiện qua tiếng khóc chào đời. Tạo hóa đã sắp đặt Thở ra có trước Hít vào.
  • Bắt đầu bài tập thở với HƠI THỞ RA sẽ giúp chúng ta ý thức về tầm quan trọng của Thở ra. Thở ra quan trọng hơn hít vào, quyết định hít vào, phổi rỗng mới lấy khí vào được, phải thải hết thán khí rồi mới lấy được sinh khí. Giống như bụng đói, rỗng mới ăn được cơm.
  • Bắt đầu với hơi thở ra sẽ giúp chúng ta cảm nhận và kiểm soát được thì hít vào dễ hơn.
  • Hít Vào: Sau khi hóp bụng thở ra kiệt khí, thì nội tạng bị chèn ép tạo ra một kháng lực đối với các cơ bụng. Lúc này hít vào hãy mở rộng lồng ngực để khí tràn đầy vào 2 lá phổi, đến đáy phổi. Tập trung cảm nhận vào phổi, cảm nhận đáy phối đang đẩy cơ hoành xuống. Hãy để bụng THỤ ĐỘNG phình ra do cơ hoành đẩy xuống và do kháng lực của nội tạng nở ra. Không được CỐ TÌNH đẩy bụng phình ra nếu bạn muốn có một cái bụng thon gọn.
  • Lúc này bạn sẽ cảm nhận được rõ rệt năng lượng lan tỏa khu vai, xương đòn, ngực...
  • Cho dù bắt đầu với Thở ra hay Hít vào thì Bụng luôn cần phải phình ra THỤ ĐỘNG khi hít vào và CHỦ ĐỘNG hóp/siết bụng khi thở ra.
  • Cách thở này hoàn toàn loại bỏ được hiện tượng bụng to bự do cách thở CHỦ ĐỘNG PHÌNH BỤNG như đã nêu ở phần đầu. THật khó tin cách thở này lại tiêu được mỡ, giảm béo nhưng đó là sự thật. Thực hành 10 ngày có thể giảm cân được 1-1,5 kg, tất nhiên phải có chế độ ăn hợp lý.
  • Hệ thần kinh và cơ thể vật lý cũng được trải qua 2 trạng thái Thụ động (Thư giãn, Âm) / Chủ động (Làm việc, Dương) liên tục, xen kẽ bất tận, kéo dài quanh năm suốt tháng nhờ vậy đem lại và duy trì sự cân bằng trong thần kinh, tâm trí, cơ thể.
  • Cách thở này tập trung vào phổi và cơ hoành, là cơ quan quan trọng nhất của hệ hô hấp, là đối tượng chính mà chúng ta luyện tập chứ không tập trung vào đẩy bụng phình ra chủ động.
  • Thời gian của các thì tùy thuộc vào từng người và hoàn toàn có thể cho thêm vào các thì Nín Dương/ Nín Âm để hình thành kiểu thở 3, 4 thì.
  • Trong kiểu Thở Nén cũng áp dụng tương tự tức là: Hít vào Bụng phình ra Thụ động, Thở ra Bụng Hóp vào Chủ động.
  • Trong các chuyển động cũng nên ý thức về cách thở như vậy.

Bài viết dài luôn gây nhàm chán, xin dừng ở đây. Hãy kiểm tra bạn đang thở phình bụng chủ động hay thụ động và điều chỉnh, nếu có hiệu quả thì nên phổ biến rộng rãi. Thường chỉ 3 ngày đã thấy dấu hiệu tích cực ở vùng bụng.

Cám ơn mọi người đã đọc!
Bài viết được hoàn thành với sự tham vấn bác sĩ tài năng Võ Thị Thanh.
---
Chép lại từ FB Lò Văn Một

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét